HTX Thủy sản Sông Năng Ba Bể: Nuôi thủy sản sạch theo chuỗi giá trị

Là hợp tác xã đầu tiên của huyện Ba Bể hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi thủy sản, ngay sau khi thành lập, Hợp tác xã Thủy sản Sông Năng Ba Bể (xã Thượng Giáo, Ba Bể) đã mở rộng quy mô, đẩy mạnh hoạt động liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Thành lập cuối năm 2020, mô hình chăn nuôi cá lồng đang được HTX thủy sản Sông Năng Ba Bể phát triển ngày càng ổn định, từ chăn nuôi nhỏ lẻ chuyển thành chăn nuôi tập trung, mở ra hướng đi lâu dài cho các hộ thành viên. Anh Vy Thành Đạt- Giám đốc HTX cho biết: Với mong muốn phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và đi sâu vào sản xuất và chế biến, 7 thành viên của HTX đều có chung mục tiêu, đoàn kết, cùng hỗ trợ lẫn nhau, quyết tâm vượt khó đi lên. Hiện nay, HTX tập trung nuôi cá diêu hồng, loại cá đặc trưng phù hợp với nguồn nước ngọt nơi đây. Ngoài ra còn một số loại cá như trắm, chép, rô phi... nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của thị trường.

Dọc theo dòng sông Năng chảy qua địa phận thôn Phiêng Chì, những lồng cá của HTX nằm ở cạnh lòng sông, được neo buộc rất chắc chắn. Tại đây, mặt sông có độ rộng từ 10 – 15m, nước sông quanh năm chảy lưu thông. Vào mùa khô như hiện nay, mực nước vẫn sâu khoảng 7-8m, đảm bảo cho việc chăn nuôi của bà con. Không giống như nuôi cá trong ao, hồ, việc chăn nuôi trên sông đòi hỏi phải có phương pháp, có kiến thức và áp dụng kỹ thuật mới. Vì vậy, từ khi thành lập đến nay, HTX liên tục tổ chức cho các thành viên đi tham quan, tập huấn kỹ thuật ở trong và ngoài tỉnh. Các thành viên đã tập trung đầu tư thời gian chăm sóc, cùng nhau trao đổi, tính toán hiệu quả kinh tế, phân công công việc cụ thể.

Mô hình chăn nuôi cá lồng trên sông của HTX thủy sản Sông Năng Ba Bể.
Mô hình chăn nuôi cá lồng trên sông của HTX Thủy sản Sông Năng Ba Bể.

HTX đã liên kết với một số đơn vị cung ứng cá giống ở các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang. Những con giống ban đầu khi mua về được nuôi trong ao của các hộ thành viên. Tổng diện tích ao nuôi của HTX gần 4ha. Khi cá đạt trọng lượng khoảng 300g thì được chuyển ra lồng và nuôi trên sông. Anh Đàm Hồng Anh- thành viên HTX cho biết: Do cá giống mua về có kích thước rất nhỏ, nên ban đầu đưa vào trong ao nuôi nhằm tránh thất thoát về số lượng. Các lồng cá được làm bằng khung sắt có mắt lưới bao quanh, chiều dài từ 12 – 15m; chiều rộng gần 3m và chiều sâu khoảng 2,5m. Trung bình mỗi lồng nuôi khoảng 7.000 con. Thức ăn chăn nuôi chủ yếu là loại thức ăn hữu cơ viên nổi kết hợp với cám gạo, cám ngô...

Là người được phân công chăm sóc, quản lý các lồng cá hằng ngày, anh Đàm Hồng Anh cho biết thêm: Tôi phải thường xuyên kiểm tra quanh khu vực nuôi, không để tình trạng rác thải vướng mắc vào lồng. Mỗi lần cho ăn là phải quan sát cá để kịp thời phát hiện ra các bệnh thường gặp như bệnh nấm thủy mi, bệnh mắt trắng, nổ mắt, bệnh trắng mang, thối mang... Nếu bảo đảm được nguồn nước sạch, chăm sóc đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế nuôi cá lồng trên sông mang lại gấp nhiều lần so với cách nuôi cá truyền thống.

Với đặc tính dễ nuôi, nhanh lớn, hiện nay HTX đang nuôi cá diêu hồng với số lượng khoảng 70 tấn. Sau khoảng 6 tháng, cá đạt trọng lượng từ 1kg trở lên, giá bán dao động từ 50.000 – 60.000 đồng/kg, rất dễ tiêu thụ. Ngoài ra những loại trắm, chép cũng có giá từ 80.000 – 100.000 đồng/kg. Cùng với thu hoạch bán cá tươi ra thị trường, HTX đang hướng đến việc chế biến sâu các sản phẩm từ cá.

Anh Vy Thành Đạt- Giám đốc HTX cho biết: Chúng tôi đã thử nghiệm với sản phẩm cá chua. Đây là một trong những món ăn truyền thống đặc trưng của người dân Ba Bể. Cá sau khi được sơ chế đem ủ với cơm rượu đã lên men và một số gia vị khác tạo nên hương vị đậm đà, thơm ngon. Những năm gần đây, cá chua đã trở thành mặt hàng được nhiều người tiêu dùng tìm kiếm và sử dụng. Ngoài ra chúng tôi cũng có kế hoạch chế biến nhiều sản phẩm khác như: Chả cá, phi-lê cá, cá 1 nắng... Quy trình chăn nuôi hiện nay đã đảm bảo về chất lượng, sản phẩm không chứa chất kích thích, chất tăng trưởng, được thị trường đánh giá cao.

Chăn nuôi cá lồng trên sông đang giúp cho các thành viên HTX Thủy sản Sông Năng Ba Bể có nguồn thu ổn định, giải quyết vấn đề việc làm cho lao động nông thôn. Hiện nay HTX đang đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, đồng thời mong muốn được các cấp, các ngành chuyên môn hỗ trợ để mở rộng quy mô chăn nuôi gắn với chế biến. Từ đó thu hút các hộ dân trên địa bàn cùng tham gia nhằm phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm, gắn với thị trường tiêu thụ./.

Thu Hường

Xem thêm