Hương cốm mùa thu

Trời vào thu, dưới ánh nắng nhè nhẹ, những cánh đồng thơm ngào ngạt mùi lúa non, những hạt lúa nếp mẩy căng sữa chờ ngày chín cũng là lúc nhiều hộ dân ở Bắc Kạn bắt đầu một mùa cốm mới.

Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) thu hoạch lúa nếp để làm cốm.
Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) thu hoạch lúa nếp để làm cốm.

Buổi sáng, dạo quanh một vòng chợ Đức Xuân, các tuyến đường chính phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhiều người bán cốm. Màu xanh non mềm mại của cốm, mùi thơm lúa nếp mới níu giữ bước chân người qua.

Nhà ông Lễ ở tổ 9, phường Nguyễn Thị Minh Khai làm dịch vụ xay xát lâu năm. Nhiều năm qua, cứ đến mùa thu là gia đình ông lại đón những vị khách ở TP. Bắc Kạn, huyện Bạch Thông đến xát lúa làm cốm và bày bán ngay tại hiên nhà.

Chị Nguyễn Thị Loan, người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) cho biết: “Mùa này, trong xã có nhiều hộ gia đình làm cốm, gia đình tôi là một trong số đó. Mùa cốm kéo dài từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 âm lịch. Ngày nào tôi cũng làm và mang ra thành phố bán”.

Chị Loan chia sẻ thêm: Để có cốm bán trọn mùa, các hộ dân cấy lúa nếp (chủ yếu là giống nếp cái hoa vàng, khẩu Nua Lếch) gối nhau bằng mạ nhổ và cấy mạ xúc, thường kéo dài 1 tháng, tùy theo diện tích canh tác từng hộ. Như vậy, đến mùa lúa nếp chắc mẩy, họ sẽ làm cốm bán suốt mùa. Nếu cấy liên tục trong vài ngày, người làm chỉ có thể bán cốm vào đầu vụ, vì sau khoảng 2 tuần lúa nếp già đã không thể làm cốm.

“Nhờ cách làm này mà với diện tích 3.000m2, mỗi năm tôi thu hoạch lúa và bán ra thị trường khoảng 4 tạ cốm, thu về khoảng 50 triệu đồng. Năm nay thời tiết ấm áp, giá cốm thấp hơn năm ngoái, vì khi trời rét nhiều người thích ăn cốm hơn. Hiện, cốm non có giá 120.000 đồng/kg (thấp hơn thời điểm này năm trước 30.000 đồng/kg), nhưng tôi vẫn không bỏ công việc thời vụ này, vì bán cốm giá trị kinh tế cao hơn so với bán thóc”, chị Loan chia sẻ.

Sản xuất cốm tại thôn Nà Ngang, xã Quân Hà (Bạch Thông).
Sản xuất cốm tại thôn Nà Ngang, xã Quân Hà (Bạch Thông).

Vừa sàng sảy cốm, chị Nông Thị Khuya ở phường Huyền Tụng (TP. Bắc Kạn) vừa chia sẻ: Để có cốm bán, mỗi ngày tôi phải dậy từ 3h sáng, luộc nếp non đã cắt từ chiều hôm trước, vừa luộc vừa vớt bỏ hạt lép. Sau đó rang thóc cốm đến khi chín đều, rồi mang ra xay xát, sàng sảy, nhặt thóc còn sót lại mới có mẻ cốm. Đến mùa cốm, một ngày tôi làm 2 lần để bán buổi sáng và buổi chiều. Nếu buổi sáng bán chưa hết, tôi sẽ đem về gói bánh chưng cốm, bánh coóc mò bán, vì là đồ ăn liền nên nếu để lâu sẽ mất đi mùi hương tự nhiên vốn có”.

Bà Triệu Thị Ninh, người dân tổ 8, phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn) nhớ lại: “Ngày xưa cuộc sống khó khăn, công nghệ chưa hiện đại như bây giờ, đến mùa cốm cả dòng họ tụ họp làm. Khi giã cốm cần có 2 người, người giã chày, người đảo tay, cốm càng giã càng mềm dẻo, bùi ngậy. Ngày nay đã có máy móc thay thế, mặc dù khó tìm được hương vị xưa, nhưng đã giảm bớt nhân lực và sức lao động, đồng thời giúp nhiều gia đình có thu nhập khá từ nghề làm cốm”.

Nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa và nâng tầm sản phẩm lợi thế từ lúa nếp, thời gian qua, nhiều địa phương trong tỉnh đã thành lập HTX, tổ hợp tác sản xuất cốm; tổ chức lồng ghép giới thiệu sản phẩm tại các ngày hội, hội thi để quảng bá, tiêu thụ. Đơn cử như Hội thi giã cốm huyện Ngân Sơn tổ chức tại chương trình giới thiệu nông sản, ẩm thực địa phương vừa qua đã thu hút đông đảo du khách gần xa đến xem, thưởng thức và chia sẻ rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, giúp nhiều người biết đến sản phẩm cốm Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn.

Người dân bày bán cốm tại thành phố Bắc Kạn.
Người dân bày bán cốm tại thành phố Bắc Kạn.

Những hạt cốm xanh non, dẻo thơm mang hương vị quê hương vùng cao Bắc Kạn làm nao lòng người xa quê mỗi độ thu về. Hy vọng sản phẩm này ngày càng được nhiều người biết đến và yêu thích, bởi ngoài việc lưu giữ hương vị quê hương còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân./.

Đồng Lai

Xem thêm