Đại hội đại biểu DTTS huyện Chợ Mới lần thứ IV:

Khẳng định chính sách của Đảng đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi

BBK - Sáng 20/5, huyện Chợ Mới long trọng tổ chức Đại hội đại biểu DTTS lần thứ IV với sự tham dự của 130 đại biểu, đại diện cho gần 33.000 đồng bào DTTS trong toàn huyện. Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

IMG_6901.jpg
Các tập thể có thành tích xuất sắc, tiêu biểu được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới.
IMG_6896.jpg
Đại biểu dự Đại hội.

Dự đại hội có đại điện lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh; lãnh đạo các phòng, ban, hội đoàn thể và các địa phương trong toàn huyện.

Đại hội dành thời gian đánh giá kết quả thực hiện "Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ III", cũng như công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện, công sức đóng góp của đồng bào các DTTS với sự nghiệp chung. Theo đó, nguồn lực từ Trung ương, kết hợp với phát huy sức mạnh nội lực, nhất là vai trò, đóng góp của đồng bào các DTTS đã giúp kinh tế - xã hội, diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của Chợ Mới có nhiều khởi sắc.

Năm 2019, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 54,6%, ngành công nghiệp, xây dựng của huyện chiếm 9,1%; ngành thương mại dịch vụ chiếm 36,3%; đến năm 2023, tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 52,3% (giảm 2,3%); tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng chiếm 13,8% (tăng 4,7%), ngành thương mại, dịch vụ chiếm 33,9% (tăng 2,4%).

z5458286997281_bcbf6f4eb1fc6e60b987c0c703632a88.jpg
Đại biểu thảo luận tại Đại hội.

Thu nhập bình quân của huyện năm 2019 là 28,8 triệu đồng/người, năm 2023 là 40,2 triệu đồng/người (tăng 11,4 triệu đồng). Trên địa bàn huyện có KCN Thanh Bình đã được đầu tư tương đối đồng bộ và đưa vào sử dụng. Hiện nay tỉnh đang tiếp tục triển khai xây dựng hạ tầng giai đoạn II để thu hút các nhà đầu tư.

z5458289251353_94497a680ff1a737519aee32de1866af.jpg
Quang cảnh Đại hội.

Từ năm 2020 đến nay, huyện đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa nâng cấp 45km đường giao thông nông thôn; thi công xây dựng 6,1km đường nội thị thị trấn Đồng Tâm; xây dựng được 52 đầu mục công trình với khoảng 15,8km kênh mương; xây dựng mới, nâng cấp sửa chữa 07 trụ sở làm việc các cấp, 32 nhà văn hoá các thôn, tổ phố… Nguồn vốn từ các chương trình MTQG như: 135, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đóng vai trò tạo lực đẩy cho nhiều vùng quê khởi sắc. Đồng thời những chính sách này cũng khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi trên địa bàn huyện Chợ Mới còn khó khăn, hạn chế như: Kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện tuy đã có bước phát triển nhưng chưa toàn diện; đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; kết cấu hạ tầng còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; nguồn nhân lực của huyện còn thiếu; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; việc triển khai một số chương trình, chính sách dân tộc trong giai đoạn còn gặp khó khăn…

Đại hội thông qua Quyết tâm thư, trong đó nêu cao quyết tâm "Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng bào các dân tộc trong toàn huyện tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, gìn giữ bản sắc, nét đẹp văn hóa, cùng nhau xây dựng huyện Chợ Mới ngày càng phát triển bền vững".

z5458285941159_b94ad80d6373fc86f19e2226bd8efa88.jpg
Đại biểu xem triển lãm ảnh về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của huyện Chợ Mới.

Nhân dịp này, 13 tập thể và 15 cá nhân là người DTTS có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác, lao động, sản xuất được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen. Đại hội cũng chọn ra Đoàn đại biểu đi dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Bắc Kạn lần thứ IV, năm 2024./.

Xem thêm