Thực hiện chính sách dân tộc ở Ba Bể:

Kỳ 1: Vận dụng chính sách, phát huy thế mạnh tiềm năng

BBK - Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu, huyện Ba Bể đã tích cực huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; vận dụng chính sách của Đảng và Nhà nước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, ổn định an ninh chính trị, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

65354.jpg
Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Ba Bể có nhiều cơ hội được tiếp cận các giống mới và áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, góp phần nâng cao thu nhập.

Trong 5 năm trở lại đây, nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện; kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng và nâng cấp; chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố và giữ vững. Những kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội góp phần tạo sự đồng thuận, gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng các dân tộc, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ công dân trước các chủ trương, đường lối, chính sách đổi mới của Đảng, Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc.

Anh Đặng Hành Dũng, dân tộc Dao ở thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển mô hình kinh tế cho thu nhập cao.

Cụ thể như: Chương trình 135, tiểu dự án 1 với nguồn vốn gần 40 tỷ đồng thực hiện xây dựng, sửa chữa, duy tu bảo dưỡng gần 70 công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường, lớp học, nhà văn hóa thôn; tiểu dự án 2 với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Qua đó đã giúp cho các hộ dân được tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, được ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất.

Đồng chí Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể trao đổi về việc thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, đối với chính sách tín dụng ưu đãi cho vùng khó khăn, toàn huyện đã giải ngân được hơn 611 tỷ đồng, với gần 11.900 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Giúp cho hơn 1.300 lượt lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; gần 700 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động; hơn 2.800 hộ trung bình, hộ khá vay vốn để sản xuất kinh doanh; gần 300 hộ nghèo vay làm mới và sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Nguồn vốn vay đã phục vụ cho hơn 98% đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận và phát huy hiệu quả rõ rệt.

5423.jpg
Sản phẩm từ quả bí xanh thơm của người dân huyện Ba Bể đang có mặt tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, được thị trường đón nhận.

Để thực hiện có hiệu quả “Đề án phát triển một số cây trồng, vật nuôi có thế mạnh tại địa phương giai đoạn 2021-2025”, huyện đã quy hoạch các vùng sản xuất với những cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng như: Vùng trồng cây bí xanh thơm, hồng không hạt, dong riềng, cây chè, cây ăn quả, trồng rừng tập trung, trồng rừng gỗ lớn, phát triển đàn đại gia súc, gia cầm… Cùng với đó, huyện tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác.

Cũng theo đồng chí Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện: Nhờ việc vận dụng có hiệu quả các chính sách của Nhà nước, đến nay diện mạo nông thôn của Ba Bể đã có nhiều đổi mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, hệ thống y tế, trường lớp học, hệ thống kênh mương thủy lợi… được đầu tư phát huy hiệu quả thiết thực, thúc đẩy người dân phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, nhìn chung đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đã được nâng lên. Từ năm 2018, huyện Ba Bể được Thủ tướng Chính phủ công nhận ra khỏi diện huyện nghèo nhất cả nước. Đó là dấu mốc quan trọng để huyện tiếp tục duy trì, phát huy nội lực, vững bước phát triển./.

(còn nữa)

Xem thêm