Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh. |
Tại Nghị định số 27/2023/NĐ-CP ngày 31/5/2023, Chính phủ quy định 40 loại khoáng sản thực hiện thu phí bảo vệ môi trường khi có phát sinh việc khai thác. Căn cứ vào tình hình thực tế, các loại khoáng sản có trữ lượng trên địa bàn tỉnh, đồng thời trên cơ sở đề xuất cơ quan chuyên môn, tại dự thảo Nghị quyết về mức thu, đơn vị tính phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét quy định thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác 27/40 loại khoáng sản theo danh mục khoáng sản quy định tại Nghị định số 27/2023/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong đó, 11/27 loại khoáng sản có phát sinh việc khai thác, bao gồm: Quặng sắt; quặng vàng; quặng chì, quặng kẽm; đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình; sỏi; đá làm vật liệu xây dựng thông thường; cát vàng; các loại cát khác; đất sét, đất làm gạch, ngói; các loại đất khác; các khoáng sản không kim loại khác và thực hiện thu phí bảo vệ môi trường. 16/27 loại khoáng sản còn lại chưa phát sinh việc khai thác nhưng có trữ lượng, dự kiến sẽ khai thác và thu phí bảo vệ môi trường trong các năm tiếp theo.
Đại biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị. |
Hiện nay, trong 27 loại khoáng sản UBND tỉnh trình quy định mức thu phí bảo vệ môi trường có 21 loại khoáng sản đã có trong Nghị quyết số 21/2017/NQ- HĐND ngày 18/7/2017 của HĐND tỉnh; 06 loại bổ sung mới.
Với khối lượng dự kiến khai thác năm 2024 theo giấy cấp phép khai thác của từng loại khoáng sản, thì số thu ngân sách nhà nước theo mức thu mới tại dự thảo Nghị quyết do UBND tỉnh đề xuất là khoảng 105.973 triệu đồng, tăng khoảng 10.237,7 triệu đồng so với dự kiến số thu ngân sách nhà nước theo mức thu tại Nghị quyết số 21/2017/NQ-HĐND.
Tại Hội nghị, các đại biểu cơ bản nhất trí với khung mức thu phí bảo vệ môi trường do UBND tỉnh đề xuất đã đảm bảo tương đồng so với mức thu phí của một số tỉnh trong khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn có loại khoáng sản có mức thu phí chênh lệch so với tỉnh khác, do đó một số đại biểu đề nghị HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tương đồng với các tỉnh có khai thác khoáng sản tương tự để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường theo quy định.
Đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kết luận Hội nghị |
Cũng tại Hội nghị, đại diện Cục Thuế tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính đánh giá, mức thu phí bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đề xuất tại dự thảo Nghị quyết cơ bản tương đồng với các địa phương lân cận như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế, khả năng nộp phí của các tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản.
Kết luận Hội nghị, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến thảo luận, góp ý thẳng thắn, tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Đồng thời, đề nghị bộ phận tham mưu tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến đóng góp của đại biểu tại Hội nghị để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết theo đúng tiến độ./.