Những học trò nhí của CLB bóng bàn xã Quân Hà được thầy Thắng chỉ dạy tận tình. |
Sinh năm 1971 ở Hà Nội, năm 1980 ông Huỳnh Tiến Thắng cùng gia đình chuyển vào thành phố Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) sinh sống từ đó cho đến nay. Dù không sinh sống ở Bắc Kạn nhưng ông lại có "cái duyên" với con người và mảnh đất nơi đây.
Ông Thắng nhớ lại: “Năm 2020, trong một lần lên Bắc Kạn, tôi được người bạn mời ở lại một thời gian để hướng dẫn cho các cháu nhỏ có niềm đam mê với bóng bàn trên địa bàn huyện Bạch Thông. Nhìn những đứa trẻ vùng cao yêu thích môn bóng bàn, nhưng chưa có điều kiện để luyện tập tôi rất trăn trở; để “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, tôi đã tập hợp những học sinh yêu bóng bàn ở thị trấn Phủ Thông để thành lập câu lạc bộ và ở lại đến giờ”.
Thầy giáo Huỳnh Tiến Thắng hướng dẫn kỹ thuật môn bóng bàn cho các em |
Để thuận lợi cho việc dạy chơi bóng, ông Thắng đã tự bỏ tiền túi ra thuê địa điểm, mua bàn bóng, mua vợt để các em có điều kiện luyện tập. Người dân ở thị trấn quen gọi CLB của ông Thắng là “ lò luyện bóng bàn miễn phí”, bởi học sinh ở đây được thầy Thắng dạy mà không phải đóng góp một khoản chi phí nào.
Hiện CLB bóng bàn Phủ Thông có 40 em từ 5 -16 tuổi. Ông Thắng chia sẻ: “Tôi thực sự bất ngờ, vì không nghĩ sẽ thành công đến vậy, lúc đầu tôi đến đây cũng là tình cờ, tôi mang bóng bàn đến với các em nhỏ vùng cao cho các em giải trí, bớt thiệt thòi so với các bạn thành phố lớn”.
"Trước kia hay cả bây giờ vẫn có người nói tôi là “hâm dở” khi bỏ tiền, bỏ công sức ra để dạy bóng bàn ở một nơi không phải quê hương của mình. Nhưng họ không phải tôi thì đâu hiểu được cảm giác khi nhìn những đứa trẻ do mình chỉ dạy đạt được thành tích cao trong các cuộc thi và ngày càng trưởng thành sẽ hạnh phúc như nào. Với tôi Bắc Kạn như là quê hương thứ 2 vậy”, ông Thắng tâm sự.
Em Vũ Thanh Trà trưởng thành từ CLB bóng bàn Phủ Thông hiện đang học tập và rèn luyện tại Trường Phổ thông năng khiếu Thể dục thể thao Hà Nội. |
Tuy ông Thắng chỉ chơi bóng bàn phong trào, nhưng những khái niệm, yếu tố kỹ thuật như độ chuẩn, sức nhanh, sức mạnh, sức xoáy, điểm rơi, tốc độ trong đánh bóng, quỹ đạo của trái bóng đều được ông giải thích cặn kẽ trong các buổi học. Sau 3 năm, 6 trò của ông được đội tuyển bóng bàn chuyên nghiệp ở Hà Nội lựa chọn để đào tạo.
Em Bế Ngọc La (10 tuổi), ở thôn Nà Phát, xã Tân Tú, là một trong những học sinh được “thầy” Thắng dẫn dắt từ đầu, chuẩn bị về Hà Nội để luyện tập cho biết: “Khi mới đến đây, mọi thứ với em rất mới mẻ, được thầy chỉ dẫn nhiệt tình nên em đã biết và rất thích bộ môn này, thầy tự bỏ tiền mua bàn cho chúng em tập, thầy cũng không lấy tiền học phí, thầy còn mua vợt cho em nên em rất cảm kích”.
Tham gia từ những ngày đầu khi CLB bóng bàn Phủ Thông mới được thành lập, em Nghiệp Phúc Lâm (14 tuổi), ở phố Ngã Ba, thị trấn Phủ Thông tâm sự: “Thầy Thắng rất quý chúng em, chỉ lo chúng em thiệt thòi và muốn có cơ sở đầy đủ nhất cho chúng em tập luyện. Được chơi bóng bàn trong câu lạc bộ em thấy ai cũng khỏe khắn, nhanh nhẹn”.
Bức thư của cậu học trò Chu Việt Anh (bên phải) gửi đến thầy Thắng. |
Chị Hoàng Thị Hạ, Phó Bí thư Huyện đoàn Bạch Thông cho biết: “Ông Huỳnh Tiến Thắng không phải là một vận động viên bóng bàn chuyên nghiệp, nhưng ông đã đào tạo ra những vận động viên bóng bàn nhí xuất sắc. Ông Thắng là người góp phần rất lớn trong việc phát triển phong trào bóng bàn ở huyện Bạch Thông”.
Ông Huỳnh Tiến Thắng chia sẻ: “3 năm ở Bắc Kạn, tôi đã tự bỏ tiền đầu tư cơ sở vật chất để dạy bóng bàn, nhưng tôi không thấy tiếc vì thành quả tôi nhận được nhiều hơn, đó là tình cảm của phụ huynh, học sinh, phong trào bóng bàn được phát triển rộng và hơn hết là nhiều em đã phát hiện tài năng chơi bóng bàn và được đào tạo chuyên nghiệp. Với tôi như vậy là lãi rồi”.
Với "thầy" Huỳnh Tiến Thắng, bóng bàn là một phần cuộc sống của ông và trao truyền niềm đam mê bóng bàn đến với thế hệ trẻ là khát vọng mà ông đã, đang và tiếp tục làm…/.