Nâng tầm đời sống phụ nữ vùng dân tộc thiểu số

BBK -Các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) trong tỉnh Bắc Kạn đã và đang triển khai nhiều mô hình, cách làm hay để hỗ trợ phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) từng bước nâng cao cuộc sống cả về vật chất và tinh thần.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ

Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS, thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, giúp hội viên phụ nữ mạnh dạn, thay đổi tư duy về phát triển kinh tế, từng bước nâng cao cuộc sống.

don-phong-2-8551-8903.jpg
Mô hình trồng bí xanh của gia đình chị Triệu Thị Duyên, thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Những năm đầu khi mới lập gia đình, cuộc sống gia đình chị Triệu Thị Duyên, thôn Bản Chiêng xã Đôn Phong (Bạch Thông) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên với bản tính cần cù, chịu khó, không khuất phục trước khó khăn, chị đã chủ động, mạnh dạn học hỏi cách làm ăn kinh tế. Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương phù hợp để canh tác các loại cây ngắn ngày như dưa chuột, bí xanh, khoai tây nên chị đã mạnh dạn đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng từ các địa phương khác.

Với diện tích đất sẵn có chị bắt tay vào canh tác các loại cây trồng này trên quy mô hơn 3.000m2. Không chỉ dừng lại ở đó, vào tháng 10 âm lịch hằng năm chị lại tổ chức thu mua măng trong Nhân dân để bán cho các tư thương, các chợ đầu mối không những giúp gia đình tăng thu nhập mà còn giúp bà con tiêu thụ nông sản thuận lợi. Mỗi năm thu nhập từ các loại, bí thơm, bí dài, khoai tây, dưa, măng… gia đình chị Duyên thu về hơn 150 triệu đồng.

Từ mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả của gia đình chị đã truyền động lực cho nhiều hộ gia đình trong thôn mạnh dạn, chủ động chuyển đổi đưa cây trồng có giá trị kinh tế vào canh tác, đem lại thu nhập cao.

Chị Triệu Thị Duyên, thôn Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông).

Chị Triệu Thị Duyên chia sẻ: "Nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp, hiệu quả nên đã mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 đến 6 lần so với trồng lúa, ngô. Tôi mong muốn các cấp Hội Phụ nữ và chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm để giúp những hộ gia đình như chúng tôi tiêu thụ sản phẩm nông sản thuận lợi, giúp sản xuất được ổn định, bền vững".

Gia đình chị Ngôn Thị Tiến, thôn Khuổi Muồng, xã Nghiên Loan (Pác Nặm) sau khi được Hội LHPN xã tuyên truyền, chị đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế. Tận dụng quỹ đất sẵn có, chị trồng hơn 2.000m2 rau xanh, 1ha cây mận và 70 cây hồng không hạt. Chị tham gia lớp tập huấn kiến thức về khoa học kỹ thuật do Hội LHPN xã phối hợp tổ chức để áp dụng kiến thức vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng. Chính nhờ thay đổi suy nghĩ, cách làm nên kinh tế gia đình chị được cải thiện, cuộc sống dần ổn định hơn.

Thực hiện bình đẳng giới cho phụ nữ

Để nâng cao quyền năng cho phụ nữ, hiện nay các cấp Hội LHPN trong tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

don-phong-1-copy-2182-4531.jpg
Các hoạt động truyền thông đã góp phần nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho phụ nữ DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đến nay các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã thành lập được gần 400 tổ truyền thông cộng đồng, 40 mô hình “Địa chỉ tin cậy”, 63 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã tổ chức tuyên truyền kiến thức bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới, kỹ năng vận hành hoạt động tổ truyền thông cộng đồng, Địa chỉ tin cậy, Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" cho các trưởng thôn, chi hội trưởng chi hội phụ nữ, Ban Công tác Mặt trận, người có uy tín trong cộng đồng, giáo viên và học sinh thuộc các xã vùng hưởng lợi của dự án.

Chị Nông Thị Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Nà Khoang, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn).

Việc các cấp Hội LHPN trong tỉnh tích cực, chủ động triển khai các hoạt động truyền thông đã đóng góp một vai trò quan trọng trong việc thay đổi hành vi, cách nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng cho phụ nữ vùng DTTS, từ đó lan rộng trong cộng đồng. Qua việc tham gia các câu lạc bộ, mô hình đã giúp cho phụ nữ vùng DTTS tiếp cận nhiều hơn với kiến thức về giới, hôn nhân gia đình, từ đó tự tin khẳng định bản thân, học hỏi vươn lên nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Xem thêm