Hương vị đặc trưng - Nét độc đáo của núi rừng
Nằm ở độ cao trên 1.200m so với mặt nước biển, xã Bằng Phúc từ lâu đã được biết đến là "thủ phủ" của nghề nấu rượu men lá truyền thống. Với hơn 300 hộ dân trực tiếp nấu rượu, tập trung tại các thôn như Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang và Nà Quân, nơi đây lưu giữ những bí quyết nấu rượu cổ truyền đậm đà bản sắc.
Khác biệt với nhiều loại rượu trên thị trường, rượu men lá Bằng Phúc được chế biến từ gạo và men lá đặc biệt, được làm từ hơn 30 loại thảo dược quý hiếm của núi rừng. Những loại lá và rễ cây, các loại dược liệu bí truyền không chỉ tạo nên hương vị đậm đà mà còn mang lại cảm giác nhẹ nhàng, không đau đầu sau khi uống.
Bà Lục Thị Nơm, thôn Nà Pài, một người dân làm nghề nấu rượu tại Bằng Phúc, chia sẻ: “Gia đình tôi đã làm rượu men lá từ bao đời nay. Mỗi mẻ rượu đều được làm bằng cả tâm huyết và sự cẩn thận. Bí quyết nằm ở men lá tự nhiên – chúng tôi phải lên rừng chọn từng loại lá theo mùa, phơi khô và ủ men theo cách truyền thống. Rượu men lá không chỉ là sản phẩm mà còn được người dân nơi đây coi như một di sản văn hóa truyền thống”.
Một trong những bí quyết khiến rượu Bằng Phúc ngon mà không bất kỳ nơi nào có được đó là nguồn nước để nấu rượu, với lợi thế nằm ở độ cao hơn 1.200m so với mặt nước biển, cùng với độ che phủ rừng cao, quanh năm khí hậu mát mẻ, nước nấu rượu được bà con lấy từ đầu nguồn trong rừng sâu đảm bảo sạch sẽ, nguyên chất… giúp hương vị rượu Bằng Phúc có sự khác biệt.
Một mẻ rượu nấu ra sẽ được bà con ủ từ 1 đến 3 tháng, việc ủ sẽ giúp các tạp chất được lắng và thẩm thấu ra ngoài, giúp cho rượu có vị thanh mát khi sử dụng. Quy trình sản xuất rượu Bằng Phúc rất tỉ mỉ và công phu. Từ việc chọn nguyên liệu, ủ men, đến chưng cất đều được thực hiện theo phương pháp thủ công, giữ nguyên giá trị truyền thống. Chính vì vậy, rượu men lá Bằng Phúc không chỉ là một sản phẩm ẩm thực mà còn là kết tinh văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Tày, Nùng nơi đây.
Hiện tại, nghề nấu rượu đã phổ biến ở cả 9/9 thôn của xã Bằng Phúc với 300/626 hộ trực tiếp tham gia sản xuất. Các thôn như Nà Bay, Nà Pài, Bản Khiếu, Nà Hồng, Bản Chang, Nà Quân là những điểm nấu rượu tập trung, tạo ra sản lượng gần 200.000 lít/tháng. Đặc biệt, nghề nấu rượu không chỉ tạo thu nhập cho 791 lao động mà còn gắn liền với hoạt động chăn nuôi lợn từ bỗng rượu, cung cấp thêm nguồn thu đáng kể cho các hộ gia đình.
Thương hiệu vươn xa
Một bước tiến quan trọng trong việc nâng tầm rượu men lá Bằng Phúc là sự thành công của các HTX tại thôn Nà Pài, đặc biệt là HTX Thanh Tâm và HTX Bằng Phúc. Hai đơn vị này đã đưa sản phẩm đạt chứng nhận OCOP mở ra cơ hội lớn trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm trên các thị trường cao cấp.
Năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng khi HTX Thanh Tâm xuất khẩu lô rượu men lá đầu tiên sang Nhật Bản. Với hợp đồng bán 2.000 lít rượu cho Công ty KOME CO.LTD, sản phẩm truyền thống của Bắc Kạn chính thức đặt chân vào thị trường quốc tế.
Bà Nông Thị Tâm, Giám đốc HTX rượu men lá Thanh Tâm cho biết: Rượu men lá của Bằng Phúc được các đối tác đánh giá rất cao, hiện HTX vẫn duy trì hợp tác để xuất khẩu rượu sang Nhật Bản.
Để phát huy thế mạnh nghề truyền thống, tháng 9/2022, UBND tỉnh Bắc Kạn đã phê duyệt kế hoạch xây dựng làng nghề rượu Bằng Phúc. Việc kết hợp phát triển làng nghề với du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho kinh tế địa phương.
Xã Bằng Phúc có khí hậu mát mẻ, sở hữu vùng chè Shan tuyết cổ thụ cùng với những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc... là một điểm đến đầy lý thú cho du khách. Đặc biệt, việc tuyến đường từ thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể sắp hoàn thiện và đưa vào sử dụng, kỳ vọng lớn đang được đặt vào rượu men lá Bằng Phúc và làng nghề nấu rượu truyền thống nơi đây. Tuyến đường này không chỉ mở ra cơ hội kết nối thuận lợi hơn cho việc vận chuyển sản phẩm rượu ra các thị trường lớn mà còn tạo điều kiện thu hút du khách đến với Bằng Phúc. Nhờ đó, làng nghề nấu rượu có thể kết hợp với phát triển du lịch cộng đồng, giúp du khách không chỉ được thưởng thức hương vị rượu men lá đặc trưng mà còn trực tiếp trải nghiệm quy trình nấu rượu thủ công, tìm hiểu về văn hóa địa phương. Đây chính là bước đệm để rượu men lá Bằng Phúc mở rộng hơn nữa thị trường tiêu thụ, đồng thời đưa tên tuổi của làng nghề này trở thành một điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch Bắc Kạn.
Việc nâng tầm thương hiệu rượu men lá Bằng Phúc không chỉ là việc phát triển một sản phẩm thuần túy, mà còn giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Khi thương hiệu này được định vị tốt, không chỉ giúp cải thiện thu nhập cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Bắc Kạn, đưa những nét tinh hoa của sản vật vùng cao đến với mọi miền đất nước và quốc tế./.