Khó khăn trong xử lý chất thải chăn nuôi
Dù có truyền thống lâu đời và tiềm năng phát triển, làng nghề rượu men lá Bằng Phúc vẫn chưa được công nhận chính thức là làng nghề. Nguyên nhân chủ yếu đến từ các vấn đề môi trường và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng tiêu chí.
Theo ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc thì phần lớn các hộ sản xuất rượu đều tận dụng bỗng rượu để chăn nuôi lợn tại nhà, dẫn đến việc xử lý chất thải gặp rất nhiều khó khăn. Chất thải dạng lỏng khó thu gom, xử lý triệt để và thường xả trực tiếp ra các kênh mương, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Đặc thù địa hình phức tạp, dân cư phân bố rải rác và bám sát các tuyến đường giao thông chính như ĐT257B khiến việc quy hoạch xây dựng hệ thống thoát nước thải trở nên bất khả thi. Thêm vào đó, quỹ đất hạn hẹp và nguồn ngân sách địa phương hạn chế càng làm vấn đề trở nên nan giải.
Theo thống kê, hiện toàn xã Bằng Phúc có khoảng 300/626 hộ nấu rượu, trung bình mỗi hộ nấu rượu chăn nuôi từ 20 đến 30 con lợn, hiện tổng đàn lợn của xã đạt hơn 9.100 con.
Bà Hoàng Thị Hằng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bằng Phúc (Chợ Đồn) cho biết: Trước thực trạng về môi trường, Đảng ủy xã đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, ban hành nghị quyết về công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, công tác này vẫn còn hạn chế, tình trạng ô nhiễm môi trường từ nước thải chuồng trại gia súc không đảm bảo, chưa có giải pháp xử lý, một số cá nhân chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường…
Trong Nghị quyết số 70-NQ/ĐU về công tác bảo vệ môi trường ngày 02/7/2024 của Đảng ủy xã Bằng Phúc cũng đã chỉ rõ những yếu kém, khuyết điểm trong công tác bảo vệ môi trường do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan nhưng chủ yếu là do người dân chưa nhận có nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường, chưa đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường…
Chị Hoàng Thị Ngà, Bí thư Đoàn thanh niên xã Bằng Phúc chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, lực lượng Đoàn thanh niên đã xây dựng mô hình về việc sắp xếp, bố trí không gian địa điểm nấu rượu với chuồng trại chăn nuôi của hộ gia đình đảm bảo sạch sẽ, hợp vệ sinh và thông thoáng; mô hình đã được triển khai và làm điểm tại 03 hộ ở thôn Bản Quân và 02 hộ ở Nà Bay. Qua tuyên truyền, bà con và lực lượng đoàn viên, thanh niên đều thống nhất cao về việc phải giữ gìn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên thực tế quỹ đất của các hộ gia đình ít, kinh tế hạn hẹp nên việc đầu tư chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn..
Bên cạnh đó, việc sử dụng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gặp nhiều rào cản về quy định. Đơn cử, theo Nghị quyết 12/2022/NQ-HĐND, các hộ dân phải đóng góp đối ứng 26,5% kinh phí khi xây dựng công trình xử lý nước thải, khiến việc huy động vốn đối ứng gần như không thể thực hiện.
Hướng đi bền vững cho làng nghề
Trước những khó khăn trên, UBND huyện Chợ Đồn đã và đang triển khai nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ vướng mắc, tạo tiền đề xây dựng làng nghề bền vững. Trước hết, huyện đã tập trung tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân như phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Huyện Đoàn để thực hiện các chương trình tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, mô hình "Bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu" tại thôn Bản Quân đã được triển khai với sự tham gia thí điểm của 05 hộ dân.
Huyện Chợ Đồn đã khảo sát và đề xuất phương án xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại một số thôn trọng điểm với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng. Tuy nhiên quá trình khảo sát xây dựng mô hình không xử lý thu gom được triệt để, không khả thi, cùng với đó người dân cũng chưa thật sự đồng thuận, quyết tâm trong xử lý rác thải chăn nuôi nên trước mắt không thể triển khai nguồn vốn.
CÁC VĂN BẢN HUYỆN CHỢ ĐỒN ĐÃ CHỈ ĐẠO LIÊN QUAN ĐẾN CÔNG TÁC MÔI TRƯỜNG Ở BẰNG PHÚC:
Chỉ thị số 08-CT/HU ngày 12/4/2024 của Huyện ủy Chợ Đồn về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Kế hoạch số 95/KH-UBND ngày 26/3/2024 của UBND huyện Chợ Đồn thực hiện công tác bảo vệ môi trường trong xây dựng Làng nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc năm 2024.
Văn bản số 983/UBND-TNMT ngày 18/4/2024 của UBND huyện Chợ Đồn về tăng cường công tác QLNN về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.
Văn bản số 1510/UBND-VP ngày 05/6/2024 của UBND huyện Chợ Đồn về việc đôn đốc thực hiện khắc phục tiêu chí về môi trường đối với Làng nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc.
Theo ông Hoàng Văn Thái, Chủ tịch UBND xã Bằng Phúc thì một số hộ dân chưa tìm ra giải pháp xử lý do địa hình và không có quỹ đất thực hiện; khả năng huy động, vận động phần kinh phí đối ứng của người dân (26,5%) không đảm bảo thực hiện được.
Để giảm tải áp lực môi trường, huyện đề xuất quy hoạch lại các khu vực chăn nuôi, đảm bảo khoảng cách an toàn với khu dân cư. Đồng thời, khuyến khích các hộ nấu rượu đầu tư xây dựng các hệ thống xử lý chất thải nhỏ gọn, phù hợp với điều kiện thực tế. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng các công trình thu gom xử lý chất thải chăn nuôi. Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Tiếp tục xem xét, cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề như: Hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề; Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Dù còn nhiều khó khăn, xã Bằng Phúc cũng như huyện Chợ Đồn vẫn đang nỗ lực xây dựng làng nghề nấu rượu men lá bền vững. Với sự chung tay của chính quyền, người dân và các tổ chức đoàn thể, tin tưởng rằng địa phương sẽ có giải pháp hiệu quả trong việc đảm bảo môi trường chăn nuôi, xây dựng được làng nghề rượu men lá Bằng Phúc trở thành điểm đến trải nghiệm nét văn hóa truyền thống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, hướng tới mục tiêu giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới./.