Từ năm 2000 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, huyện Ngân Sơn đầu tư xây dựng các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở các thôn, bản. Tuy nhiên đến nay một số công trình hư hỏng hoặc thiếu nguồn nước, dẫn đến không phát huy hiệu quả sử dụng.
Bể chứa nước sạch sinh hoạt tập trung với thể tích gần 100m3 tại thôn Nà Lạn đã không có nước để sử dụng gần hai năm nay. |
Dẫn chúng tôi đến khu vực Thôm Lúm, ông Lý Văn Lập, người dân thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực cho biết: Từ những năm 2000, thôn đã được Nhà nước đầu tư xây dựng bể chứa nước và dẫn vòi về để phục vụ nước sinh hoạt cho khoảng 30 hộ dân trong thôn. Tuy nhiên, chỉ đưa vào sử dụng được khoảng vài năm thì đa số các hộ dân trong thôn đã phải đi mua vòi về tự dẫn nước từ đầu nguồn để dùng.
Nguyên nhân là do hệ thống nước tập trung được đầu tư không có người đứng ra quản lý sử dụng, nên đã xảy ra tình trạng nhà ở gần khu vực đầu vòi có nguồn nước thì dùng không hết, nhà ở cuối tuyến thì nước yếu hoặc không có nước khiến nhiều hộ dân bức xúc, tự bỏ tiền túi ra mua vòi tự dẫn nước về dùng. Riêng gia đình ông Lập chi gần 2,5 triệu đồng để mua vòi và xây bể lọc nước, chứa nước để dẫn nước về dùng.
Ông Vương Văn Tùng, công chức địa chính – xây dựng xã Hiệp Lực cho biết: Đến nay, cơ bản các thôn trên địa bàn xã đều đã được đầu tư các công trình nước sạch sinh hoạt tập trung cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, sau khi bàn giao do cách quản lý không chặt chẽ nên một số công trình chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Một số công trình đã được đầu tư xây dựng lâu năm đến nay xuống cấp hoặc hư hỏng nên không còn hoạt động. Tại thôn Nà Lạn hiện có đến 05 công trình hư hỏng, xuống cấp, có công trình được đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng và đưa vào sử dụng năm 2017 nhưng đã bỏ không trong hơn 02 năm nay do nguồn nước đầu nguồn khô cạn.
Bể chứa nước sạch phục vụ người dân thôn Nà Vài, xã Hiệp Lực không phát huy hiệu quả như mong đợi. |
Theo thống kê của cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện hiện có gần 20 công trình nước sạch sinh hoạt tập trung hiện không còn hoạt động. Một số công trình còn hoạt động nhưng không đem lại hiệu quả thiết thực như mong muốn. Hầu hết các công trình này đều chưa có tổ quản lý sử dụng, quy chế sử dụng nên khi hỏng hóc không có ai đứng ra sửa chữa, duy tu bảo dưỡng kịp thời, để lâu ngày hỏng hóc lớn rồi bỏ không. Tại xã Thượng Ân có 02 công trình; xã Bằng Vân có 06 công trình; xã Hiệp Lực có 07 công trình; xã Thượng Quan, Cốc Đán, Đức Vân mỗi xã có 01 công trình.
Lãnh đạo một số xã cho biết đang tổ chức thống kê, rà soát lại các công trình nước sạch để bố trí nguồn vốn sửa chữa. Đồng thời, sẽ thành lập các tổ quản lý, sử dụng nước bảo đảm hài hòa giữa các hộ dân trong thôn, tránh việc thất thoát nước hoặc hỏng hóc không ai sửa chữa khắc phục. Mặt khác, tuyên truyền cho các hộ dân sử dụng nước nâng cao ý thức và có trách nhiệm bảo quản, quản lý sử dụng để công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân mang lại hiệu quả thiết thực hơn.
Theo báo cáo của huyện Ngân Sơn, hiện tỷ lệ hộ dân toàn huyện được sử dụng nước sạch sinh hoạt tập trung đạt 92%. Nghị quyết số 03-NQ/ĐH, ngày 07/8/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Ngân Sơn lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 95%. Để thực hiện được mục tiêu này, huyện cần nâng cao hơn nữa hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững công trình nước sạch nông thôn; các xã, thị trấn chủ động kinh phí để xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, từ đó phát huy hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho người dân./.
Văn Lạ