Ngân Sơn với công tác cải cách tư pháp

BBK - Những năm gần đây, công tác cải cách tư pháp (CCTP) luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Ngân Sơn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, thu được những kết quả tích cực.

Ngân Sơn là huyện miền núi ở phía Đông Bắc tỉnh Bắc Kạn, có diện tích tự nhiên 64.587ha, chiếm 13,27% diện tích tự nhiên của tỉnh. Huyện có 10 đơn vị hành chính gồm 08 xã và 02 thị trấn với 142 thôn, tổ dân phố; tổng dân số trên 32.000 người, gồm 6 dân tộc chủ yếu (Tày, Nùng, Kinh, Dao, Hoa, Mông) cùng sinh sống. Đảng bộ huyện có 38 tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, 190 chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở, với tổng số 3.628 đảng viên.

Lãnh đạo Huyện ủy Ngân Sơn phát biểu tại buổi kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Lãnh đạo Huyện ủy Ngân Sơn phát biểu tại buổi kiểm tra của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp tỉnh.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của cấp trên và sự đồng tình, ủng hộ của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân, tổ chức bộ máy các cơ quan tư pháp của huyện thường xuyên được củng cố, kiện toàn. Các cơ quan tư pháp đã tăng cường phối hợp trong triển khai thực hiện nhiệm vụ ngành và công tác CCTP gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trên địa bàn.

Việc quán triệt, triển khai, thực hiện các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác CCTP được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, hiệu quả. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp.

Các cơ quan tư pháp huyện phối hợp chặt chẽ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giải quyết các vụ án, vụ việc đảm bảo theo đúng luật định. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp và bổ trợ tư pháp được quan tâm. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 21 cán bộ thuộc các cơ quan tư pháp được cử đi đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị và tập huấn chuyên môn nghiệp vụ.

Nhìn chung cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ quan tư pháp cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hệ thống trực tuyến phiên tòa và hệ thống hội nghị trực tuyến được triển khai lắp đặt và hoạt động hiệu quả. Nhà tạm giữ của Công an huyện thường xuyên được kiểm tra, sửa chữa, nâng cấp; phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác điều tra được bổ sung phù hợp. Viện Kiểm sát nhân dân huyện được trang bị đủ máy móc, phương tiện cần thiết để phục vụ công tác. UBND huyện kịp thời bố trí quỹ đất để xây dựng mới Trụ sở Thi hành án Dân sự huyện, đưa vào sử dụng từ tháng 6/2023. Chi cục Thi hành án dân sự được đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tương đối đầy đủ.

Những kết quả trong công tác CCTP đã góp phần giúp huyện giữ vững tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; cán bộ, đảng viên và Nhân dân luôn tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện và nâng cao...

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác CCTP tại Ngân Sơn còn một số khó khăn như: Trình độ dân trí không đồng đều, đời sống của một bộ phận Nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn. Tình hình vi phạm pháp luật trên địa bàn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ; một số vụ việc còn kéo dài chưa giải quyết được triệt để; các tranh chấp phát sinh nhiều, chủ yếu về lĩnh vực đất đai; nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các trang thiết bị phục vụ hoạt động của một số đơn vị còn hạn chế; biên chế được giao của một số đơn vị còn thiếu…

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cải cách tư pháp thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Ngân Sơn đã đề ra một số giải pháp cụ thể. Trong đó, trọng tâm là tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác CCTP. Thường xuyên chỉ đạo cấp ủy, cơ quan tư pháp trên địa bàn thực hiện tốt việc quán triệt, phổ biến, triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết, văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác CCTP đến toàn thể cán bộ, công chức, đảng viên và Nhân dân. Duy trì công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý tới người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, nhất là thông qua các hoạt động hòa giải, xét xử.

Chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp liên ngành, đặc biệt trong công tác phối hợp điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Tập trung thực hiện tốt việc phát hiện, đấu tranh, xử lý các loại tội phạm. Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tập trung giải quyết án kịp thời, đúng pháp luật, nâng cao chất lượng xét xử, không để oan sai, không bỏ lọt tội phạm trong xét xử hình sự. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết tốt tin báo tội phạm, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; đẩy nhanh chất lượng thi hành án, giải quyết án hành chính trên địa bàn. Tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát đối với hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp. Tập trung kiện toàn, xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp đảm bảo trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.../.

Xem thêm