Ngành Ngân hàng Bắc Kạn đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân

BBK - Hệ thống Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã và đang cấp tín dụng trọng tâm vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và động lực tăng trưởng kinh tế, nông nghiệp nông thôn gắn với Chương trình MTQG trên địa bàn.

Hiện nay các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đang triển khai cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các dự án đầu tư, sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thương mại, dịch vụ, xây dựng cơ bản, công nghiệp chế biến, xuất khẩu. Đặc biệt thời gian qua hệ thống Ngân hàng triển khai các chính sách cho vay hỗ trợ lãi suất theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng theo quy định.

1.jpg
Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng BIDV Chi nhánh Bắc Kạn.

Các thủ tục vay vốn đã được đơn giản hóa thông qua việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay mới và dư nợ. Các ngân hàng đã áp dụng đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với từng loại hình, nhu cầu vay vốn hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp, đặc biệt là cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Đến nay, Agribank đang triển khai 05 chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp; Vietinbank thực hiện chương trình “Đồng hành cùng khách hàng doanh nghiệp”; LPBank triển khai chương trình “Cho vay siêu tốc - Bứt tốc kinh doanh”, “Tiếp vốn nhanh, kinh doanh cất cánh”; BIDV với các chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh, xuất khẩu...

2.jpg
Ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Agribank Bắc Kạn thông tin về các cơ chế, quy định cho vay của hệ thống ngân hàng.

Ông Phạm Văn Hòa, Phó Giám đốc Agribank Bắc Kạn cho hay: Hiện nay ngành ngân hàng nói chung và Agribank luôn áp dụng lãi suất ưu đãi theo quy định, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, HTX, người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Theo báo cáo của ngành Ngân hàng hiện nay trên địa bàn có 265 khách hàng doanh nghiệp, dư nợ trên 4.800 tỷ đồng; 29 HTX, dư nợ 54 tỷ đồng. Trong 9 tháng đầu năm doanh số cho vay doanh nghiệp, HTX là 2.860 tỷ đồng.

Chị Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc HTX Dược liệu Thảo Hân (TP. Bắc Kạn) cho biết: Hiện nay HTX được vay vốn ưu đãi của Trung ương Đoàn để khởi nghiệp. Do mới được thành lập và đi vào hoạt động, HTX rất mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng để có thêm nguồn lực mở rộng sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Để tăng khả năng tiếp cận vốn ưu đãi đối với các doanh nghiệp, HTX và người dân trên địa bàn, ngành Ngân hàng đã có những giải pháp cụ thể để khách hàng dễ dàng tiếp cận vốn. Đối với NHCSXH, thực hiện việc giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu, kế hoạch được giao; tham mưu sửa đổi, bổ sung quy chế việc thực hiện, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác cho vay qua NHCSXH; tạo điều kiện cho HTX, người dân tiếp cận vốn tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Các chi nhánh ngân hàng thương mại tập trung tăng trưởng tín dụng hướng vào sản xuất kinh doanh, tiếp cận và bám sát các dự án đầu tư của tỉnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, HTX tại địa phương.

Theo ông Đoàn Sỹ Quý, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về tiền tệ, ngân hàng và nhiệm vụ trọng tâm về công tác tín dụng năm 2024. Chủ động, thường xuyên triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, HTX. Kịp thời nắm bắt, xử lý những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, HTX, người dân liên quan đến tiếp cận vốn tín dụng./.

Xem thêm