Pác Nặm sau mười năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Pác Nặm đã đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên đáng kể, nền nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, huyện Pác Nặm đã đạt được những kết quả quan trọng. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên đáng kể, nền nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại

Nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trương 7 (khóa X), huyện Pác Nặm đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để lãnh đạo, chỉ đạo. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, sản xuất nông nghiệp của huyện đã đạt được những kết quả tích cực; tốc độ tăng trưởng mạnh và ổn định, đảm bảo an ninh lương thực, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 56%; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chăn nuôi đã nhiều năm phát triển theo hướng gia trại, trang trại; lâm nghiệp đã có bước chuyển biến từ rừng gỗ nhỏ sang trồng rừng gỗ lớn.

Trong chăn nuôi ở Pác Nặm đã hình thành các gia trại, trang trại có quy mô lớn. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan.
Trong chăn nuôi ở Pác Nặm đã hình thành các gia trại, trang trại có quy mô lớn. Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi trâu, bò nhốt ở thôn Bản Đính, xã Nghiên Loan.

Đối với trồng trọt, nhân dân đã được tiếp cận và ứng dụng các quy trình kỹ thuật vào canh tác lúa cải tiến SRI; đầu tư thâm canh, phòng trừ dịch bệnh hại tổng hợp (IPM) trong sản xuất; mạnh dạn chuyển đổi các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt để thâm canh, diện tích đất nông nghiệp được áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất ngày càng nhiều. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đến hết năm 2017 đã đạt hơn 20.000 tấn, tăng hơn 5.200 tấn so với năm 2008; toàn huyện có trên 120ha diện tích đất canh tác đạt thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/năm; hình thành một số mô hình và vùng sản xuất hàng hóa như: Vùng trồng ngô tại các xã trên địa bàn huyện với quy mô trên 2.000ha; vùng trồng gừng, nghệ tại các xã Xuân La, Bộc Bố, Giáo Hiệu, Cao Tân và Cổ Linh với diện tích hơn 50ha; vùng sản xuất rau, củ tại các xã Bộc Bố, Giáo Hiệu, Nghiên Loan với quy mô trên 30ha; vùng trồng mận, lê tại các xã Nghiên Loan, Xuân La, Bằng Thành…

Trong chăn nuôi, huyện Pác Nặm đã chú trọng việc phòng chống dịch bệnh, thực hiện hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân chuyển đổi hình thức nuôi nhỏ lẻ, truyền thống sang chăn nuôi có kiểm soát an toàn dịch bệnh với quy mô lớn hơn, theo hướng gia trại, trang trại. Ưu tiên nguồn vốn thực hiện các mô hình điểm để tạo ra sản phẩm của địa phương có lợi thế như: Mô hình chăn nuôi vỗ béo trâu, bò; mô hình cải tạo chất lượng trâu, bò địa phương; mô hình phát triển đàn lợn đen bản địa… Đến nay toàn huyện đã có hơn 16.600 con trâu, bò, ngựa và đàn lợn gần 26.000 con; diện tích nuôi, trồng thủy sản hơn 23ha, sản lượng đạt khoảng 40 tấn/năm.

Người dân trong huyện đã thay đổi nhận thức về vai trò và lợi ích của kinh tế rừng. Diện tích trồng rừng mới từ năm 2008 đến nay của huyện đạt gần 6.700ha với các loại cây chủ yếu như keo, mỡ, lát, xoan; tỷ lệ che phủ rừng đã đạt trên 56% tăng hơn 18% so với năm 2008. Toàn huyện hiện có 11 cơ sở chế biến lâm sản, 01 doanh nghiệp đầu tư trồng rừng với diện tích 120ha. Nhiều hộ đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ trồng rừng đem lại.

Huy động các nguồn lực để phát triển nhanh kinh tế nông thôn

Trong 10 năm qua, huyện Pác Nặm đã triển khai khá hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây hạ tầng, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hỗ trợ nông dân sản xuất. Trong 10 năm, tổng nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 109 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu hơn 45 tỷ đồng, còn lại là vốn hỗ trợ phát triển sản xuất. Đến nay toàn huyện có gần 250 công trình thủy lợi thì đã có hơn 150 công trình được xây dựng kiên cố đảm bảo phục vụ nước tưới tiêu cho hơn 1.300ha đất sản xuất.

Mạng lưới giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng từ nhiều nguồn lực, bảo đảm thông suốt 4 mùa tới các xã và cơ bản đến trung tâm các thôn, đảm bảo việc đi lại của nhân dân đã được thuận tiện. Từ năm 2008 đến hết năm 2017 tổng chiều dài đường xã, liên xã đường từ trung tâm xã đến huyện là hơn 225km, trong đó đã rải nhựa hoặc bê tông hóa được gần 120km; tổng số chiều dài đường trục thôn, liên thôn là 313km, đã được cứng hóa gần 50km.

Phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ảnh: Người dân xã Công Bằng đầu tư máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa xuân
Phần lớn người dân sản xuất nông nghiệp đã áp dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất. Trong ảnh: Người dân xã Công Bằng đầu tư máy gặt đập liên hoàn để thu hoạch lúa xuân.

Mặc dù là huyện vùng cao, địa hình chủ yếu là đồi, núi dốc hiểm trở, thế nhưng huyện đã quan tâm đầu tư nhiều công trình phúc lợi cho người dân. Đến nay toàn huyện đã có 108/118 thôn có điện lưới, đạt tỷ lệ 91% số hộ sử dụng điện; 100% số xã có trạm bưu chính viễn thông, kết nối điện thoại và internet đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt; đã có trên 96% tỷ lệ số hộ dân được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; các trạm y tế xã được quan tâm đầu tư xây dựng và sửa chữa, 10/10 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế…

Đánh giá 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X), đồng chí Vi Duy Tuyến- Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm cho biết: Việc ra đời của Nghị quyết Trung ương 7 rất phù hợp với tình hình thực tế, đây là chủ trương đúng đắn, kịp thời, đáp ứng đúng tâm lý, nguyện vọng của nhân dân. Sau 10 năm thực hiện nghị quyết đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và được cụ thể hóa bằng Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ II, nhiệm kỳ 2010 - 2015 và lần thứ III, nhiệm kỳ 2015 - 2020, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể trong phát triển nông, lâm nghiệp góp phần để đến năm 2020 toàn huyện Pác Nặm cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển./.

Văn Lạ

Xem thêm