Sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số Quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ

BBK - Chiều 10/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì Phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06.

Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc từ trụ sở Chính phủ tới trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

DSC04727.JPG
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Chủ trì điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có ông Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; tham dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, cơ quan trong tỉnh.

6 tháng đầu năm 2024, chuyển đổi số quốc gia đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện được triển khai quyết liệt, đồng bộ với quyết tâm cao từ Trung ương đến cơ sở. Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách tạo khuôn khổ pháp lý và điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 được triển khai tích cực.

Các cơ quan đã hoàn thành 19/79 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hoàn thành 43/229 nhiệm vụ năm 2024 của Đề án 06. Có 55/63 địa phương ban hành Kế hoạch đẩy mạnh triển khai Đề án 06 trong năm 2024.

Theo đó, dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42%; bộ, ngành đạt 61%; địa phương đạt 17%. 63/63 địa phương (tăng 14 địa phương so với cuối năm 2023) đều đã ban hành chính sách giảm, miễn phí, lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 15/63 địa phương (tăng 2 địa phương so với cuối năm 2023) đã ban hành chính sách giảm thời gian để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Kinh tế số, xã hội số tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỉ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023). Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỉ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84% (tăng 3,2% so với cuối năm 2023). Tỉ lệ chuyển đổi sử dụng IPv6 Việt Nam đạt 60% (tăng 1% so với cuối năm 2023), đứng thứ 8 toàn cầu (tăng 1 bậc so với năm 2023).

Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Cụ thể như: 43/76 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân đã được cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; người dân đã được miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến, cung cấp đầy đủ các giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hàng ngày cả trên môi trường mạng; 100% công dân đã được cấp mã số định danh cá nhân; 86,3 triệu công dân đã được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 75,7 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và kích hoạt trên 55,25 triệu tài khoản...

Tham luận tại Hội nghị, các đại biểu tập trung chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thời gian tới...

Phát biểu bế mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 còn có những hạn chế, một số nhiệm vụ chậm tiến độ.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đề án 06 được xác định là nhiệm vụ then chốt, quan trọng trong góp phần thúc đẩy tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực tăng trưởng cũ, khai phá các động lực tăng trưởng mới, các ngành mới nổi. Do vậy thời gian tới cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò động lực phát triển, động lực tăng trưởng của chuyển đổi số; tập trung xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ này, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra.

Phấn đấu đến năm 2025, 100% dịch vụ công trực tuyến được thực hiện toàn trình; 50% dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 100% hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính được gắn định danh cá nhân; 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính; 50% thủ tục, giấy tờ của người dân liên quan đến dữ liệu dân cư được cắt giảm...

Khẩn trương xử lý các nhiệm vụ quá hạn, tồn đọng trong giai đoạn 2023-2024. Thủ tướng yêu cầu 12 bộ, ngành và 20 địa phương chưa ban hành Kế hoạch, khẩn trương ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 trước ngày 20/7/2024.../.

Xem thêm