Trắng tay, nghẹn lòng sau lũ dữ

BBK - Những ngày này, mặc dù nước lũ đã rút nhưng người dân vùng bị ảnh hưởng bởi ngập lụt ở huyện Ba Bể vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc khắc phục hậu quả, tái thiết sản xuất. Một số hộ gia đình khi được hỏi về tài sản hoa màu đã khóc nghẹn vì trắng tay sau lũ dữ. 

11.jpg
Nhiều diện tích ruộng lúa của người dân xã Quảng Khê không thể khắc phục được trong vụ mùa này.

Chúng tôi “trắng tay” rồi

Khi được phóng viên hỏi về việc khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3, bà Hoàng Thị Thì, thôn Lủng Quang, xã Quảng Khê xúc động chỉ tay về thửa ruộng trồng lúa hơn 1.300m2 của mình nói “mất hết rồi cháu ạ”. Cây lúa vụ mùa gia đình cấy được khoảng 2 tháng nay, đang thời kỳ làm đòng, nhưng do bị ngập lâu ngày nên mất trắng toàn bộ diện tích. Trong tiếng nấc nghẹn lòng, bà Thì mong muốn các nhà hảo tâm và Nhà nước tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí để gia đình có điều kiện sửa sang lại nhà cửa, đường vào cùng taluy sau nhà bị sạt lở, có biện pháp cứu đói giáp hạt trong thời gian tới và dịp lễ, tết. Chồng mất sớm, giờ chỉ có hai mẹ con, cuộc sống của bà chủ yếu dựa vào đám ruộng này nhưng nay mất trắng.

Bà Hoàng Thị Thì, thôn Lủng Quang, xã Quảng Khê.
2.jpg
Những lán chòi phục vụ khách du lịch của chị Xuân đã bị nước lũ cuốn trôi phần lớn tài sản.

Theo ông Dương Văn Hữu, Trưởng thôn Lủng Quang, xã Quảng Khê cho biết: Toàn thôn hiện có 32 hộ dân, vừa rồi cả thôn bị ngập. Về nông nghiệp có hơn 8ha lúa thì ngập hết, hiện nay chỉ còn hơn 1ha là có thể khôi phục được, còn lại mất trắng. Thời điểm này thôn có 08 hộ nghèo, nhưng lại mất trắng hoa màu, tài sản và vật nuôi do lũ nên chắc năm nay hộ nghèo sẽ tăng. Nhiều gia đình còn gặp nhiều khó khăn trong việc khắc phục về nhà ở, khôi phục sản xuất. Mong muốn Nhà nước có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân về kinh phí để có điều kiện phát triển kinh tế.

Ông Dương Văn Hữu, Trưởng thôn Lủng Quang, xã Quảng Khê.
1.jpg
Những gì còn lại sau cơn lũ chỉ là những tài sản ít giá trị.

Gạt dòng nước mắt lăn dài trên má, chị Vi Thị Kiều Xuân, thôn Bản Vài, xã Khang Ninh cho biết: Gia đình có hơn 2.300m2 đất vườn ở khu vực gần Động Puông (một điểm du lịch của VQG Ba Bể) nên năm 2022 chị vay vốn Ngân hàng CSXH huyện và vay mượn thêm của người thân được hơn 500 triệu đồng để đầu tư thực hiện mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, xây dựng 07 lán chòi để làm chỗ ăn, nghỉ phục vụ khách du lịch ăn uống. Thấy tiềm năng chất đất tốt, chị đã trồng hơn 3.000 chậu hoa hồng, hoa thạch thảo vừa để phục vụ việc trang trí và để bán dịp cuối năm, mỗi chậu hoa có trị giá 50.000 đồng. Mô hình của chị đang bắt đầu có thu nhập từ khách du lịch thì cơn lũ dữ vừa qua đã cuốn trôi toàn bộ tài sản mà chị đã đầu tư.

Ông Nguyễn Văn Thạch, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Khê, huyện Ba Bể.

Trao đổi với phóng viên, chị Xuân nghẹn lòng: "Giờ lại trở về hai bàn tay trắng chú ạ, mấy ngày nay khi trở lại khu vực làm mô hình kinh tế, chứng kiến cảnh tan hoang, mất mát hết tài sản mà tôi vẫn chưa tin vào mắt mình. Mấy năm nay mất bao nhiêu công sức, tiền của gây dựng nay đã cuốn theo dòng nước của sông Năng, bản thân cảm thấy tinh thần suy sụp và chưa biết sẽ phải làm lại từ đâu". Chồng chị Xuân đã mất từ năm 2021, hiện nay chị một mình nuôi hai con nhỏ, con lớn hiện đang học lớp 6, con nhỏ mới đang học lớp 2, gia đình thuộc diện khó khăn của xã Khang Ninh.

Chị Vi Thị Kiều Xuân, thôn Bản Vài, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể.
5.jpg
Đường liên xã từ thị trấn Chợ Rã đến xã Quảng Khê bị sạt lở một phần, nguy cơ sạt lở thêm.

Mong muốn có nguồn kinh phí hỗ trợ

Mong muốn của bà Thì, chị Xuân và đông đảo người dân bị thiệt hại bởi cơn bão số 3 là Nhà nước và các cấp chính quyền, các tổ chức, cá nhân tiếp tục quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ nguồn kinh phí, hỗ trợ cải tạo lại mô hình, được giãn khoản nợ ngân hàng, được vay thêm nguồn vốn để tái đầu tư khôi phục sản xuất.

4.jpg
Nhà của một hộ dân ở xã Khang Ninh sau nhiều ngày bị ngập nước bị lún nền.

Theo thống kê của UBND xã Khang Ninh, ảnh hưởng bão số 3, xã bị thiệt hại về nhà cửa, tài sản của 128 hộ dân, trong đó có 35 hộ không thể ở lại vị trí cũ do không bảo đảm an toàn, UBND xã đã cho di dời các hộ đến ở tạm nhà người thân hoặc bố trí ở tại những nơi an toàn. Đối với cây lúa, toàn xã bị mất trắng hơn 110ha do bị ngập úng lâu ngày. Nhà Văn hóa thôn Khuổi Luông bị sạt lở và vùi lấp hiện chưa thể khắc phục.

Ông Phạm Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể.

Theo thống kê của huyện Ba Bể, toàn huyện bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3, thiệt hại về tài sản, hoa màu, đường giao thông, các công trình thủy lợi, nhà văn hóa, nhà ở của Nhân dân... ước tính thiệt hại khoảng 35 tỷ đồng.

Qua làm việc với chính quyền địa phương và tiếp xúc với người dân vùng bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 tại huyện Ba Bể, chúng tôi nhận thấy công tác khắc phục hậu quả đã được cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm. Đến nay, nhìn chung đời sống của người dân đã cơ bản được ổn định; về nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt thì hiện nay nước đã rút, chợ trung tâm ở các địa phương đã hoạt động trở lại nên những nhu yếu phẩm đến thời điểm này đã không còn đáng lo ngại. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất lúc này của người dân là thiếu nguồn kinh phí để sửa chữa nhà cửa và khôi phục, tái thiết sản xuất, mua sắm dụng cụ, phương tiện hỗ trợ lao động sản xuất./.

Xem thêm