[Trực tiếp] Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn gặp mặt, đối thoại với đoàn viên, CNVCNLĐ tỉnh Bắc Kạn

BBK - Sáng nay (28/5), UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị gặp mặt, đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, CNVCNLĐ trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Báo Bắc Kạn tường thuật trực tiếp sự kiện này, kính mời quý độc giả quan tâm theo dõi.

Bạn đọc ấn F5 để cập nhật thông tin mới.

19.jpg
Quang cảnh hội nghị.

11h 23: Hội nghị đối thoại trực tiếp giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh Bắc Kạn kết thúc, thành công tốt đẹp.

11h14: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

24.jpg
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình phát biểu bế mạc hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Nguyễn Đăng Bình ghi nhận và tiếp thu tất cả ý kiến đề xuất, kiến nghị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động tại hội nghị.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình tin tưởng rằng: Lực lượng công nhân, viên chức, người lao động trên toàn tỉnh sẽ tiếp tục năng động, sáng tạo, vượt khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng tỉnh Bắc Kạn ngày càng phát triển giàu đẹp.

11h10: Ký kết quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh.

29.jpg
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh ký kết Quy chế phối hợp.

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tiền hỗ trợ 08 nhà ở “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

26.jpg

Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo LĐLĐ tỉnh trao tặng quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

25.jpg

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà cho đoàn viên, công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn.

23.jpg

10h 57: Trao tiền hỗ trợ nhà ở “Mái ấm Công đoàn” và trao quà cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

10h56: Kết thúc buổi đối thoại.

10h37: Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trả lời: Hiện tại, trong các văn bản của các cấp có thẩm quyền và tỉnh Bắc Kạn chưa có chính sách đặc thù hỗ trợ kinh phí cho nhân viên kế toán thực hiện nhiệm vụ tại nhiều đơn vị. Về kiến nghị của đội ngũ nhân viên kế toán, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tiếp thu, trong thời gian tới sẽ xem xét, nghiên cứu, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về việc bổ sung biên chế viên chức cho vị trí việc làm kế toán và có chính sách hỗ trợ nhân viên kế toán đảm bảo theo quy định của pháp luật.

Đối với trường hợp viên chức kế toán được biệt phái thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị khác, đề nghị các đơn vị nghiên cứu, xem xét áp dụng quy định tại Điều 27 Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức được sửa đổi bổ sung tại khoản 15 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 07/12/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức để bảo đảm quyền lợi cho viên chức.

Đối với kiến nghị của giáo viên mầm non để bảo đảm chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên tham gia công tác bán trú, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 về việc quy định các khoản thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Theo đó, việc quản lý học sinh ăn, ở bán trú buổi trưa tại trường là một trong số các hoạt động hỗ trợ hoạt động giáo dục trong nhà trường và được thu dịch vụ. UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 1040/UBND-VXVN ngày 23/02/2022 về hướng dẫn thực hiện một số nội dung thực hiện Nghị quyết số 13/2021/NQ-HĐND ngày 07/12/2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, căn cứ nguồn kinh phí thu được, thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi theo mức: Chi tiền công cho người làm trực tiếp tối đa 75% mức thu; chi cho công tác quản lý tối đa 15 % mức thu; chi sửa chữa, bổ sung cơ sở vật chất thiết bị, chi tiền điện, nước tối đa 10% mức thu. Qua đó, từ nguồn thu dịch vụ, đã có kinh phí để chi trả cho giáo viên thực hiện trông buổi trưa tại cơ sở giáo dục mầm non.

30.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh trả lời tại hội nghị.

Ông Đỗ Thanh Vân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Ngân Sơn đặt câu hỏi: Hiện nay Cấp học mầm non mang tính chất đặc thù, trẻ hầu hết phải ở lại trưa, ăn uống, ngủ nghỉ, sinh hoạt tại trường. Do đó, giáo viên mầm non phải trực trưa để lo cho các cháu. Tuy nhiên, hiện chế độ trực trưa cho giáo viên mầm non không có, phải dựa vào sự quan tâm của phụ huynh, nhà trường. UBND tỉnh có những giải pháp gì để đảm bảo chế độ trực trưa cho giáo viên mầm non và thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.

45.jpg
Ông Đỗ Thanh Vân, Chủ tịch LĐLĐ huyện Ngân Sơn đặt câu hỏi.

Bà Nông Thị Nga, Trường TH&THCS Yến Dương, huyện Ba Bể đặt câu hỏi: Hiện nay nhân viên Kế toán trường học phải kiêm nhiệm các đơn vị trường học của 01 xã, chế độ lương, phụ cấp chỉ được hưởng từ một đơn vị thuộc biên chế chi trả. Áp lực công việc nhiều, thu nhập thấp chưa đảm bảo được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. UBND tỉnh có định hướng giải pháp gì để một kế toán không phải kiêm nhiệm nhiều trường và có chính sách hỗ trợ đối với kế toán phải kiêm nhiệm một lúc nhiều đơn vị.

44.jpg
Bà Nông Thị Nga, Trường TH&THCS Yến Dương, huyện Ba Bể đặt câu hỏi.

10h15:Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời ông Nguyễn Mạnh Hạnh: Để quá trình chuyển đổi số thành công, nguồn nhân lực chuyển đổi số (CĐS) ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là một trong những nhân tố quyết định sự thành công trong công tác CĐS và an toàn thông tin mạng.

Để từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CĐS, an toàn thông tin mạng (ATTT) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn hiện nay. Sở Thông tin và Truyền thông kiến nghị một số giải pháp như sau:

Thủ trưởng các đơn vị, địa phương tuyên truyền, phổ biến quán triệt cho cán bộ chuyên trách phụ trách về CĐS thường xuyên tự nghiên cứu, học tập nắm chắc các nội dung chủ yếu các chủ trương, cơ chế chính sách, văn bản về CĐS, ATTT của Trung ương, của tỉnh để nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện nhiệm vụ CĐS;

Thủ trưởng các đơn vị, địa phương cần bám sát Kế hoạch CĐS hằng năm của tỉnh để chỉ đạo cán bộ, công chức chuyên trách/phụ trách CĐS, ATTT của đơn vị kịp thời tham mưu xây dựng Kế hoạch và chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao cho các đơn vị, địa phương. Quan tâm học tập, tham khảo các đơn vị trong ngành hoặc các đơn vị trong hoặc ngoài tỉnh về những cách làm hoặc mô hình hay về CĐS, ATTT. Phát huy mạnh mẽ vai trò trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này...

43.jpg
Ông Lô Quang Tuyến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời tại hội nghị.

10h05: Ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời ông Nguyễn Đường Hoàng, Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới: Về việc thi, xét thăng hạng giáo viên trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm triển khai thực hiện. Đến năm 2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành các Thông tư số 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT ngày 02/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/3/2021). Tuy nhiên, việc triển khai bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp viên chức giáo dục theo các Thông tư nêu trên còn có vướng mắc cho đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT ngày 14/4/2023 (sửa đổi các Thông tư số 01,02,03,04) mới thực hiện được. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo và giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện hoàn thành việc bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp học bảo đảm theo quy định hoàn thành trong năm 2023. Theo đó, toàn tỉnh có 1670/1743 giáo viên mầm non, 1833/2220 giáo viên tiểu học, 1289/1425 giáo viên THCS đủ điều kiện thì đã được bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề theo quy định.

Nhằm bảo đảm quyền lợi của viên chức đồng thời góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức đáp ứng theo yêu cầu của vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, ngày 09/4/2024, Sở Nội vụ đã ban hành Công văn số 473/SNV-CCVC về việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, trong đó đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, xác định tỷ lệ cơ cấu viên chức còn thiếu so với cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để lập danh sách viên chức đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đăng ký dự xét thăng hạng theo quy định tại Nghị định số 85/2023/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực; tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định phân cấp của tỉnh và các quy định hiện hành.

21.jpg
Ông Sầm Văn Trân, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời tại hội nghị.

Ông Nguyễn Mạnh Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Na Rì đặt câu hỏi: Hiện nay, công chức, viên chức phụ trách chuyển đổi số, an toàn thông tin ở nhiều cơ quan, đơn vị là kiêm nhiệm, chưa có chuyên môn sâu về công nghệ thông tin, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ứng dụng công nghệ thông tin nhất là lĩnh vực an ninh mạng, an toàn thông tin nên việc triển khai công tác chuyển đổi số còn gặp nhiều khó khăn. Vậy tỉnh Bắc Kạn sẽ có những giải pháp gì để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số, an toàn thông tin của các cơ quan, đơn vị.

42.jpg
Ông Nguyễn Mạnh Hạnh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Na Rì đặt câu hỏi.

Bà Vũ Thị Hồng Thu, Chủ tịch Công đoàn Hội Nông dân tỉnh đặt câu hỏi: Theo kết quả công bố Chỉ số SIPAS năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đạt 75,03/100%, xếp vị trí 63/63 tỉnh, thành phố, giảm 0,19% và giảm 03 bậc so với năm 2022 và 09/09 chỉ số thành phần mức độ hài lòng của người dân đều dưới 80%. Vậy trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn sẽ có những giải pháp gì để nâng cao mức độ hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công?

40.jpg
Bà Vũ Thị Hồng Thu, Chủ tịch Công đoàn Hội Nông dân tỉnh đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Đường Hoàng, Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới đặt câu hỏi: Nhiều năm chưa tổ chức xét thăng hạng giáo viên THCS, rất nhiều giáo viên đủ điều kiện về bằng cấp, chuyên môn, thành tích chưa được xét thăng hạng, đời sống giáo viên gặp khó khăn, đề nghị UBND tỉnh tổ chức xét thăng hạng cho giáo viên trong năm 2024.

38.jpg
Ông Nguyễn Đường Hoàng, Trường THCS Nông Hạ, huyện Chợ Mới đặt câu hỏi.

9h57: Hội nghị tiếp tục

9h33: Hội nghị giải lao

9h25:Ông Mã Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Do ngân sách khó khăn, việc cấp kinh phí bảo trì, sửa chữa không được thường xuyên nên nhiều bộ phận như mái dột, cửa hỏng, tường bong tróc, rạn nứt không đảm bảo yêu cầu sử dụng, việc đầu tư mới nhà công vụ còn hạn chế, do vậy việc sắp xếp nhà ở cho giáo viên, nhân viên y tế rất khó khăn.

Để giải quyết kiến nghị của đoàn viên, viên chức, người lao động cho cán bộ, công chức, người lao động nói chung đến nhận công tác nhất là các huyện xa trung tâm thành phố như huyện Pác Nặm và các địa phương khác. Trước mắt, đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối ngân sách để xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng nhà ở công vụ, trường hợp tỉnh không có nguồn vốn để đầu tư xây dựng, báo cáo Chính phủ ưu tiên cân đối ngân sách cho tỉnh Bắc Kạn để xây dựng, sửa chữa nhà ở công vụ để đảm bảo nhu cầu của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

36.jpg
Ông Mã Văn Thịnh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời tại hội nghị.

Ông Ma Doãn Thành, Chủ tịch LĐLĐ huyện Chợ Đồn đặt câu hỏi: Hiện nay, thu nhập của đoàn viên, người lao động thấp, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, đoàn viên, người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là vấn đề nhà ở, đa số phải thuê nhà tại các khu nhà trọ chật hẹp, chỗ ở không ổn định, điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo, chưa có nhà trẻ, khu vui chơi, luyện tập thể thao cho đoàn viên người lao động. Hiện nay, khu nhà ở xã hội trên địa huyện nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung chưa có để người lao động thuê. UBND tỉnh đã có những giải pháp gì để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho CNVCLĐ thuê hoặc mua với giá ưu đãi, khu vui chơi, luyện tập thể thao cho đoàn viên, người lao động.

35.jpg
Ông Ma Doãn Thành, Chủ tịch LĐLĐ huyện Chợ Đồn đặt câu hỏi.

Bà Lê Thị Hiềm, công chức văn hóa xã hội, UBND xã Yến Dương, huyện Ba Bể đặt câu hỏi: Việc thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ từ cấp trên xuống cấp dưới và ngược lại, hoặc từ vùng này sang vùng khác, cơ quan này sang cơ quan khác là việc làm thường xuyên trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, nhiều cơ quan, đơn vị không có nhà công vụ, khi cán bộ được điều động, luân chuyển đến phải ở tại phòng làm việc hoặc thuê nhà ở hoặc đi về nhà hằng ngày. Do đó, có phần ảnh hưởng đến sức khoẻ, kinh tế và công việc chuyên môn của cán bộ được luân chuyển, điều động. Đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này?

34.jpg
Bà Lê Thị Hiềm, công chức văn hóa xã hội, UBND xã Yến Dương, huyện Ba Bể đặt câu hỏi.

Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Bộc Bố, huyện Pác Nặm đặt câu hỏi: Trường THPT Bộc Bố là trường THPT có khoảng cách xa nhất trong các trường tính từ trung tâm thành phố Bắc Kạn (trên 80km). Đại đa số giáo viên là người từ địa phương khác đến công tác, hơn nữa trường nằm trên địa bàn huyện đặc biệt khó khăn, trung tâm huyện là vùng nông thôn, chưa phải là thị trấn, rất ít nhà trọ nên việc tìm nơi ở cho cá nhân và gia đình gặp nhiều khó khăn gây ảnh hưởng tới công việc. Nhà trường có 05 phòng công vụ xây dựng từ năm 2004, hiện tại đã xuống cấp (trần nhà và mái bị dột, các cánh cửa bị mục nát) gây mất an toàn.

Tập thể BGH, BCH Công đoàn, giáo viên nhà trường đề nghị tỉnh quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa 05 phòng công vụ hiện có của nhà trường, đồng thời xây dựng từ 05 đến 10 phòng công vụ mới để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của 15 đến 20 giáo viên (bao gồm cả ở ghép).

32.jpg
Ông Nông Văn Kỳ, Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Bộc Bố, huyện Pác Nặm đặt câu hỏi.

9h11: ÔngĐinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế trả lời câu hỏi của bà Hà Thị Miên: Theo quy định hiện nay đối với các xã thì mức phụ cấp của nhân viên y tế thôn, bản được thực hiện theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản. Đối với các phường, thị trấn thì mức bồi dưỡng thực hiện theo Nghị quyết số 14/2022/NQ-HĐND ngày 18/10/2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Kạn quy định mức bồi dưỡng đối với nhân viên y tế tại thôn, tổ dân phố, tổ nhân dân, tiểu khu thuộc các phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, theo đó mức bồi dưỡng bằng 0,3 mức lương cơ sở/người/tháng. Nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương theo phân cấp.

Trong thời gian tới khi Trung ương có quy định tăng mức phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản, đồng thời Sở Y tế sẽ phối hợp kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét nguồn kinh phí để tăng mức bồi dưỡng cho đối tượng là nhân viên y tế thôn, tổ dân phố, tổ dân cư, tiểu khu thuộc các phường thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

31.jpg
Ông Đinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế trả lời câu hỏi.

9h06: Ông Nguyễn Quốc Doanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn trả lời ông Đỗ Văn Toàn:

Thời gian qua, BHXH tỉnh đã thường xuyên chú trọng đẩy mạnh việc tuyên truyền đến người lao động không nhận BHXH một lần; chỉ đạo viên chức tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính vận động trực tiếp đối với người lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần. Về hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú với những chiến dịch, chương trình truyền thông bài bản, chuyên nghiệp, dễ tiếp cận, tận dụng ưu thế của mạng xã hội để truyền thông sâu, rộng và các hình thức tuyên truyền truyền thống như qua Đài PT-TH tỉnh, Báo Bắc Kạn, các Trang TTĐT của cơ quan BHXH, các sở ngành liên quan hoặc tuyên truyền trực quan qua ấn phẩm tờ rơi, tờ gấp, qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở… Về nội dung tuyên truyền cần rõ ràng, cụ thể, nhấn mạnh vào những bất lợi, những rủi ro mà người lao động gặp phải khi chọn hưởng rút BHXH một lần. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi suy nghĩ của người dân về BHXH, BHYT, giúp họ hiểu hơn về lợi ích của việc hưởng lương hưu, cũng như tính nhân văn, ưu việt, lâu dài và tính chia sẻ, trách nhiệm cộng đồng, vai trò của chế độ, chính sách BHXH, từ đó lựa chọn tham gia lâu dài và không rút hưởng BHXH một lần.

28.jpg
Ông Nguyễn Quốc Doanh, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn trả lời tại hội nghị.

9h03:Bà Hà Thị Miên, Phó Trưởng Trạm Y tế xã Quang Thuận, Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông đặt câu hỏi: Nhân viên y tế thôn, tổ dân phố, tổ dân cư, tiểu khu thực hiện nhiệm vụ công việc nhiều khi thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh phải tham gia không kể ngày, đêm. Nhưng chế độ bồi dưỡng lại rất thấp. Đề nghị UBND tỉnh tăng mức bồi dưỡng cho đối tượng là nhân viên y tế thôn, tổ dân phố, tổ dân cư, tiểu khu thuộc các phường thị trấn.

27.jpg
Bà Hà Thị Miên đặt câu hỏi.

9h00:Ông Đỗ Văn Toàn, Phó trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh đặt câu hỏi: Hiện nay, nhiều người lao động đang lựa chọn hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội 1 lần, mặc dù đã được các cấp, các ngành tuyên truyền. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn trước mắt, nhiều người lao động đã từ bỏ quyền lợi sau này của mình; theo số liệu của BHXH tỉnh 4 tháng đầu năm tiếp nhận 1.158 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH 1 lần...Trong thời gian tới, UBND tỉnh có những biện pháp gì để giảm thiểu việc người lao động rút hưởng chế độ BHXH 01 lần?.

20.jpg
Ông Đỗ Văn Toàn, Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ tỉnh đặt câu hỏi.

8h43: ÔngTrịnh Tiến Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trả lời câu hỏi của ôngVũ Gia Hạnh:

17.jpg

Tính đến 31/3/2024, toàn tỉnh Bắc Kạn có 1.025 doanh nghiệp đang hoạt động. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng dưới 10 lao động chiếm 28,97%. Để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho người lao động trong thời gian tới cần có các giải pháp cụ thể sau:

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh.

2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý lao động việc làm, giáo dục nghề nghiệp, chính sách về tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn lao động cho người lao động.

3. Đẩy mạnh giải quyết việc làm thông qua các chương trình phát triển kinh tế - xã hội cụ thể của từng địa phương theo hướng bền vững, nâng cao chất lượng việc làm; Tăng cường thực hiện chính sách việc làm công, triển khai các dự án hỗ trợ đưa người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Hỗ trợ tạo việc làm cho nhóm lao động yếu thế, nhất là lao động thuộc hộ nghèo, người khuyết tật, lao động là người dân tộc thiểu số.

4. Tăng cường triển khai thực hiện các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động tại các vùng khó khăn và các đối tượng chính sách.

5. Đẩy mạnh thực hiện tổ chức tư vấn về chính sách việc làm, nghề nghiệp, thông tin về nhu cầu tuyển dụng cho người lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

6. Đầu tư xây dựng cơ sở, vật chất cho Trường Cao đẳng Bắc Kạn với tổng kinh phí giai đoạn 2021-2025 hơn 70 tỷ đồng (theo chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Đầu tư trang thiết bị đào tạo nghề của 04 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, gồm: 03 nghề thuộc ngành nông nghiệp (Thú y, Chăn nuôi – thú y, Trồng trọt và bảo vệ thực vật) và nghề Công nghệ ô tô.

Ông Trịnh Tiến Long, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trả lời câu hỏi của ông Ngô Văn Hiến: Hiện nay tỉnh Bắc Kạn có 01 Khu công nghiệp, 07 Cụm công nghiệp với tổng diện tích sử dụng đất 234,8 ha. Tại tỉnh có khoảng 1.000 lao động đang làm việc trong Khu công nghiệp, trong đó lao động địa phương chiếm khoảng 80%; lao động nữ chiếm khoảng 60%. Tuy nhiên, tình trạng lao động trong tỉnh chấp nhận lựa chọn đi làm xa và không mặn mà với việc tìm kiếm việc làm tại Khu công nghiệp của tỉnh do mức lương của người lao động các doanh nghiệp trong khu công nghiệp của tỉnh mặt bằng chung thấp hơn so với các doanh nghiệp FDI (vốn đầu tư nước ngoài) tại các tỉnh lân cận (như Thái nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang...). Quy mô doanh nghiệp trong Khu công nghiệp của tỉnh nhỏ... Do vậy người lao động đi làm việc ở tỉnh ngoài tỉnh để có thu nhập cao hơn. Từ những nguyên nhân nêu trên, trong thời gian tới Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh tham mưu UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ban ngành và Ban quản lý các khu công nghiệp của tỉnh một số giải pháp trọng tâm sau:

Tăng cường đầu tư, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng các Khu công nghiệp, tuyến đường cao tốc Chợ Mới – Thành phố Bắc Kạn; quảng bá, giới thiệu thu hút các nhà đầu tư có năng lực tốt, các doanh nghiệp FDI/tập đoàn công nghiệp đa quốc gia với quy mô lớn đến đầu tư vào các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp của tỉnh nhằm tăng nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo hoặc lắp ráp linh kiện máy móc thiết bị để thu hút nhiều lao động trẻ, có tay nghề vào làm việc với việc làm ổn định và thu nhập cao hơn.

Chỉ đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ... chăm lo sức khỏe, đời sống tinh thần cho người lao động, làm cho người lao động yên tâm công tác, gắn bó với doanh nghiệp; kêu gọi đầu tư, xã hội hóa các dự án nhà ở công nhân, thiết chế văn hóa, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và các dịch vụ trong Khu công nghiệp, nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút lao động với các doanh nghiệp tỉnh ngoài.

Đầu tư nâng cao năng lực, thúc đẩy số hóa, hiện địa hóa Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh đáp ứng năng lực kết nối cung cầu lao động trong giai đoạn mới- thời kỳ thị trường hóa, số hóa dịch vụ việc làm.

Ngoài ra, bản thân các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cần nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, mở rộng quy mô và ổn định sản xuất, tăng năng suất lao động; thực hiện tốt pháp luật lao động, đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện tốt các chế độ, quyền lợi đối với người lao động, chú trọng xây dựng hệ thống thang bảng lương, thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật lao động; xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương.

8h39:Ông Ngô Văn Hiến, Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần đầu tư Govina đặt câu hỏi: Hiện nay việc phát triển các khu, cụm công nghiệp được tỉnh rất quan tâm nhưng có một thực trạng là lao động trong tỉnh chấp nhận lựa chọn đi làm xa và không mặn mà với tìm việc làm tại khu công nghiệp, doanh nghiệp của tỉnh. Việc thu hút lao động từ các địa phương khác cũng rất khó khăn, dẫn đến doanh nghiệp đang chật vật với tìm kiếm nguồn lao động, nhất là lao động trẻ, lao động có tay nghề cao. Đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh cho biết tỉnh có giải pháp gì để giải quyết?

14.jpg
Ông Ngô Văn Hiến, Chủ tịch công đoàn Công ty Cổ phần đầu tư Govina đặt câu hỏi

8h37: Ông Vũ Gia Hạnh, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn đặt câu hỏi: Tỉnh Bắc Kạn có dân số ít nhất cả nước, lại chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, xuất phát điểm kinh tế thấp, ít cơ sở sản xuất lớn nên có nhiều khó khăn trong công tác đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho công nhân lao động, hiện nay, lực lượng công nhân trực tiếp lao động sản xuất trình độ còn thấp, tỷ lệ công nhân chưa qua đào tạo còn cao, công nhân kỹ thuật giỏi, lành nghề còn ít. UBND tỉnh có những giải pháp gì để nâng cao trình độ học vấn, tay nghề cho người lao động.

15.jpg
Ông Vũ Gia Hạnh, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn đặt câu hỏi.

8H33: Đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với đoàn viên, CNVCNLĐ

Chủ trì cuộc đối thoại gồm các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn; Vi Hồng Dương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành tỉnh.

16.jpg

8h17: Đại biểu theo dõi phóng sự “Tiếng nói của đoàn viên, CNVCNLĐ” do Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn phối hợp với LĐLĐ tỉnh thực hiện.

46.jpg
Đại biểu xem phóng sự “Tiếng nói của đoàn viên, CNVCNLĐ”.

8h12: Đồng chí Vi Hồng Dương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Kạn báo cáo tổng hợp kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCNLĐ với Chủ tịch UBND tỉnh.

9.jpg
Đồng chí Vi Hồng Dương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Kạn báo cáo tổng hợp kiến nghị, đề xuất của đoàn viên, CNVCNLĐ.

8h05: Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc buổi gặp mặt.

7.jpg
Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc buổi gặp mặt.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Đây là diễn đàn quan trọng, là hình thức dân chủ trực tiếp để các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động trong tỉnh phản ánh tâm tư, nguyện vọng với UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về những thành tựu đã đạt được; những khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị về cơ chế, chính sách liên quan đến lao động, công đoàn, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Trích phát biểu của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình.

Do vậy, các đại biểu là cán bộ công đoàn, đoàn viên công nhân, viên chức, lao động tham gia đối thoại phát huy tinh thần hết sức thẳng thắn, cởi mở, tập trung thảo luận, trao đổi, nêu ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực...

8h00: Hội nghị gặp mặt, đối thoại bắt đầu

47.jpg

Dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đồng Văn Lưu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh. Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; UBND các huyện, thành phố và 200 đại biểu đại diện LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở trực thuộc LĐLĐ tỉnh, đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

2.gif

7h50: Một số hình ảnh trước hội nghị

3.jpg
5.jpg

Xem thêm