Ba Bể phục tráng thương hiệu bí xanh thơm

BBK - Bí xanh thơm là cây trồng chủ lực của người dân huyện Ba Bể. Để nâng cao năng suất, chất lượng, địa phương đã có quy chế quản lý, sử dụng, trong đó quy định rõ các điều kiện về sản xuất, cung cấp giống... nhằm đưa ra thị trường sản phẩm có khả năng cạnh tranh và bảo vệ thương hiệu.
Quá trình gieo ươm giống bí xanh thơm phục tráng luôn được ngành nông nghiệp huyện quan tâm về chất lượng.

Quá trình gieo ươm giống bí xanh thơm phục tráng luôn được ngành nông nghiệp huyện quan tâm về chất lượng.

Hợp tác xã Nhung Lũy, xã Yến Dương là một trong những đơn vị được huyện Ba Bể lựa chọn tham gia thực hiện Đề tài phục tráng bí thơm Ba Bể. Giống bí được HTX ưu tiên phát triển đại trà là dòng LVC; đối với dòng T13 quy hoạch phát triển để duy trì nguồn gen bản địa. Vụ bí năm 2024, HTX Nhung Lũy tập trung gieo ươm trong nhà lưới hai giống bí LVC và T13 với trên 54 vạn cây giống để cung cấp cho người dân trồng dưới hình thức liên kết. Từ đó, đảm bảo cung ứng đủ giống có chất lượng cao phục vụ sản xuất đại trà, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và bảo vệ thương hiệu bí xanh thơm của địa phương trên thị trường.

Từ năm 2020-2022, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đã phối hợp với Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Thái Nguyên thực hiện Đề tài phục tráng giống bí thơm Ba Bể. Đồng thời triển khai mô hình tại hai xã Yến Dương và Địa Linh. Mô hình phục tráng đã đạt được kết quả, năng suất đạt 30-35 tấn/ha, tỷ lệ đạt tiêu chuẩn duy trì làm giống đạt trên 60% với năng suất từ 18-21 tấn/ha. Kết thúc Đề tài phục tráng giống bí thơm Ba Bể, Sở KH&CN Bắc Kạn đã cùng các đơn vị bàn giao cho địa phương 5 tấn quả bí giống với nguồn gen có chất lượng cao để duy trì sản xuất.

Cây bí xanh thơm ở xã Yến Dương được người dân chủ động chăm sóc nên sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Cây bí xanh thơm ở xã Yến Dương được người dân chủ động chăm sóc nên sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Từ những kết quả đạt được, đề tài nói trên còn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận giống với mã số lưu hành đặc cách cho giống bí thơm Ba Bể là CNLH.2022.38. Trên cơ sở này, huyện ban hành Quy chế quản lý và sử dụng giống bí xanh thơm Ba Bể. Trong đó quy định rõ các điều kiện về sản xuất, cung cấp giống bí xanh thơm; thông tin ghi nhãn; truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, triển khai sản xuất bí theo tiêu chuẩn VietGAP và chứng nhận PGS, chứng nhận OCOP 3 sao. Từ những kết quả này, bí xanh thơm Ba Bể ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, sản phẩm đã có ở một số hệ thống siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh.

Với giá trị sản xuất đạt trên 200 triệu đồng/ha, so cây lúa và các cây trồng ngắn ngày khác, cây bí xanh thơm đem lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần. Huyện Ba Bể phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây bí xanh thơm đạt trên 200ha.

Theo ông Dương Xuân Trường, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể: Với sản lượng và diện tích lớn như vậy thì vấn đề đầu ra, giá cả thị trường, khách hàng tiêu thụ luôn được người dân quan tâm. Nếu chỉ tiêu thụ qua kênh bán lẻ hoặc tư thương thì chỉ được số lượng nhỏ; muốn tiêu thụ với số lượng lớn qua các kênh lớn như siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cung ứng nông sản an toàn thì việc nâng cao chất lượng, đưa sản phẩm cạnh tranh, cơ sở sản xuất đáp ứng các điều kiện an toàn thực phẩm hoặc VietGAP, hữu cơ là hết sức cần thiết. Những năm qua, huyện Ba Bể đã đưa ra nhiều giải pháp giúp người dân tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm với nhiều hình thức và đem lại hiệu quả kinh tế.

Năm 2018, diện tích bí xanh toàn huyện chỉ hơn 40ha, đến nay diện tích đã đạt khoảng 200ha. Cây bí được mở rộng vùng trồng, tập trung tại các xã Địa Linh, Yến Dương, Chu Hương, Thượng Giáo.

Việc duy trì giống bí phục tráng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm là bước đi đúng đắn và có nhiều hứa hẹn để người trồng bí có thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Xem thêm