Bắc Kạn hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn

Năm 2019 tỉnh Bắc Kạn đã bố trí 2 tỷ đồng nhằm giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đổi mới máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm.

Năm 2019 tỉnh Bắc Kạn đã bố trí 2 tỷ đồng nhằm giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất có sản phẩm tham gia chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” đổi mới máy móc, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm.

Tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP
Tăng cường quảng bá sản phẩm đặc trưng của các địa phương trong tỉnh.

Thời gian qua, Bắc Kạn đã, đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, tạo điều kiện tối đa cho các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn chuyển đổi mô hình phát triển mới, trong đó có việc gắn phát triển HTX với chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm" (OCOP). Hướng đi này đang giúp HTX khai thác tối đa giá trị cũng như nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm của địa phương.

Do hiểu rõ lợi ích của Chương trình OCOP nên các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã chú trọng phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm tham gia chương trình, đặc biệt là từ sự hỗ trợ của tỉnh trong phát triển ngành nghề nông thôn mà nhiều đơn vị đã mạnh dạn đầu tư phương tiện, máy móc, thiết bị mới, mở rộng quy mô sản xuất.

Là một trong những HTX đang hoạt động khá hiệu quả, HXT Nhung Lũy không ngừng đổi mới sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng cũng như số lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn thị trường. Từ nguồn kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng của tỉnh để phát triển sản xuất, cộng với vốn đối ứng 320 triệu đồng, trong năm 2019, HTX Nhung Lũy đầu tư thêm nhiều trang thiết bị như: máy công nghiệp sấy thịt, nhồi thịt tự động, máy thái, hút chân không, tủ bảo ôn... để mở rộng quy mô sản xuất sản phẩm OCOP là Lạp sườn gác bếp.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HXT Nhung Lũy cho biết: “Hiện chúng tôi đã ký kết hợp tác cung cấp sản phẩm cho 17 siêu thị thuộc hệ thống Big C, ngoài ra còn đưa sản phẩm bán tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền trên toàn quốc và có kế hoạch tiếp cận các điểm bán mới như khu đô thị Ecopac, Ciputra... Nhờ có sự hỗ trợ về máy móc, thiết bị để phát triển sản xuất, HXT có điều kiện đầu tư hệ thống máy móc quy mô công nghiệp, để sản xuất các sản phẩm số lượng lớn hơn, giảm nhân công lao động, giảm giá thành sản phẩm, chất lượng được tăng lên và mở rộng được thị trường tiêu thụ”.

Không chỉ HTX Nhung Lũy nhận được hỗ trợ để phát triển sản phẩm OCOP, trong năm 2019, tỉnh Bắc Kạn còn ưu tiên hỗ trợ cho 7 tổ chức kinh tế khác mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, như: HTX Mai Lạp (Chợ Mới) được hỗ trợ máy móc sản xuất măng khô; HTX Yến Dương (Ba Bể) đầu tư máy xát gạo liên hoàn để phát triển sản phẩm gạo Nếp Tài; hỗ trợ máy móc chế biến bún khô cho HTX Hồng Luân (Chợ Đồn); máy móc chế biến chè Shan tuyết cho Công ty TNHH phát triển nông nghiệp và chế biến dược liệu Ngọc Thắng (Chợ Đồn); máy móc, thiết bị chế biến sản xuất rượu cho HTX OCOP Quế Thanh (Chợ Đồn); máy sấy măng khô cho HTX Đại Hà (Bạch Thông); dây chuyền sản xuất tinh dầu cho HTX Hương Ngàn (Bạch Thông).

Để tiếp sức cho các cơ sở sản xuất, từ nguồn vốn Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn đã lựa chọn, xem xét triển khai phân bổ nguồn vốn hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại vào chế biến sâu các sản phẩm OCOP cho các cơ sở, doanh nghiệp, HTX. Năm 2019 tỉnh đã hỗ trợ các dự án phát triển ngành nghề nông thôn với tổng số tiền 2 tỷ đồng, hình thức hỗ trợ sau đầu tư. Sau khi UBND tỉnh phê duyệt dự án, các tổ chức kinh tế chủ động sử dụng nguồn lực, kinh phí đối ứng để mua máy móc, trang thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Sự định hướng phát triển ngành nghề nông thôn cũng như hỗ trợ của địa phương trong đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị sản xuất, tiếp cận các nguồn vốn vay, kết nối xúc tiến thương mại đã giúp các cơ sở sản xuất giới thiệu, quảng bá được các sản phẩm đến với người tiêu dùng, tìm kiếm các đối tác đầu tư mở rộng thị trường. Triển khai chương trình OCOP gắn với hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn đang cho thấy hiệu quả trong việc khai thác thế mạnh địa phương, nâng cao chất lượng sản phẩm, hướng đến sản xuất tập trung, đảm bảo cho việc phát triển bền vững tại địa phương. Sự đồng hành và tiếp sức của tỉnh đã tạo điều kiện và  động lực để các doanh nghiệp, HTX nâng cao chất lượng và số lượng sản phẩm phục vụ thị trường, tạo việc làm cho lao động địa phương và tăng thu cho ngân sách nhà nước./.

Lê Trang
 

Xem thêm