Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch bệnh dại chó, dịch tả lợn châu Phi, mới đây nhất là dịch viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò tái phát. Trong đó dịch bệnh dại động vật xảy ra tại xã Bản Thi, xã Đại Sảo (huyện Chợ Đồn), xã Đức Vân (huyện Ngân Sơn), tổng số chó mắc bệnh, tiêu hủy là 21 con, hiện cả 2 địa phương này dịch cơ bản được kiểm soát.
Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) diễn biến phức tạp, toàn tỉnh có trên 2.500 hộ dân của 96 xã thuộc 8 huyện, thành phố có dịch, làm 11.314 con lợn chết, tiêu hủy với trọng lượng hơn 452 tấn, hiện mới có 02 xã công bố hết dịch.
Bệnh viêm da nổi cục tái phát đến ngày 23/6/2024, bệnh xảy ra tại 41 hộ, 15 thôn, 5 xã thuộc 2 huyện (Ngân Sơn và Ba Bể) làm 74 con bò mắc bệnh, trong đó 02 con bị chết.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống bệnh DTLCP từ cấp tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh và các ngành, địa phương đã vào cuộc, tích cực triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh tuy nhiên chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời làm rõ nguyên nhân khiến bệnh DTLCP lây lan ra rộng là do một số địa phương chưa thể hiện hết vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch, nhất là hoạt động kiểm soát giết mổ, vận chuyển lợn trong vùng dịch dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh, khó kiểm soát; nhiều hộ chăn nuôi chưa áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn lợn đạt thấp; công tác thông tin, tuyên truyền còn hạn chế…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất yêu cầu các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên động vật. Tăng cường các hình thức tuyên truyền về mức độ nguy hại dịch bệnh, về các loại vắc xin tiêm phòng DTLCP đang lưu hành, sử dụng. Chủ động đề xuất, tiếp nhận và sử dụng nguồn hóa chất một cách kịp thời, không để tồn hóa chất trong bối cảnh dịch bệnh đang cấp bách. Các huyện, thành phố nghiên cứu kỹ các quy định trước khi công bố dịch ở cấp độ cấp huyện.
Đồng ý với đề xuất của Sở NN&PTNT xây dựng các mô hình điểm tiêm phòng vắc xin DTLCP tại mỗi địa phương nhưng trên cơ sở phải lựa chọn các hộ chăn nuôi có tính đại diện, cam kết khi tham gia tiêm phòng. Giao các huyện cân đối, sử dụng nguồn kinh phí dự phòng để hỗ trợ kịp thời cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là lực lượng tham gia chống dịch.
Tăng cường phối hợp, chia sẻ và cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh trên động vật, làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động vận chuyển động vật và các sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi mua bán lợn ốm, lợn chết từ vùng dịch mang tiêu thụ. Cần chủ động sớm các biện pháp phòng, chống dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò một cách quyết liệt, không để dịch lây lan rộng, gây thiệt hại kinh tế cho người dân…/.