Bắc Kạn với nông nghiệp 4.0

Để khai thác được tiềm năng vốn có và chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn cần nghiên cứu chính sách và khuyến khích doanh nghiệp trong việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Để khai thác được tiềm năng vốn có và chuyển đổi phương thức sản xuất, tiếp cận công nghệ mới trong lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn cần nghiên cứu chính sách và khuyến khích doanh nghiệp trong việc tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

Cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp

Cả thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, còn gọi là công nghiệp 4.0 và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Đối với lĩnh vực nông nghiệp, bản chất của cách mạng công nghiệp 4.0 chính là áp dụng những thành tựu công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, làm việc trên những cánh đồng bằng máy móc hiện đại, sử dụng phương pháp điều khiển từ xa… để tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản, cải thiện đời sống và làm giàu cho nông dân.

Đón đầu cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đã có nhiều quyết sách nhằm tiếp cận và triển khai để hiện thực hóa giấc mơ đưa Việt Nam trở thành một trong những cường quốc đứng đầu về nông nghiệp. Các tập đoàn, doanh nghiệp và kể cả nông dân cũng đang tập trung ứng dụng các công nghệ mới, cách thức quản lý mới để tạo ra những bước đột phá mới trong sản xuất.

Không nằm ngoài xu thế, Bắc Kạn đang nỗ lực tiếp cận nông nghiệp 4.0; thực hiện các giải pháp, các chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm tạo đột phá trong sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng trong lĩnh vực nông nghiệp. Tỉnh định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với mục tiêu xây dựng và phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường và phù hợp với các tiêu chuẩn hiện hành.

Nông dân huyện Chợ Đồn sử dụng máy gặt liên hoàn thu hoạch lúa.
Nông dân huyện Chợ Đồn sử dụng máy gặt liên hoàn thu hoạch lúa.

Làm nông theo công nghệ số

Giữa “cơn sóng” cuộc cách mạng 4.0, thời gian qua, ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã có những chuyển động tích cực theo hướng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn, chất lượng. Các hoạt động khoa học và công nghệ đã tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân như các đề tài, dự án phát triển cam, quýt từ khâu tuyển chọn cây đầu dòng đến nghiên cứu, ứng dụng các quy trình nhân giống, kỹ thuật canh tác; hỗ trợ xây dựng thực hiện các mô hình. Trong lĩnh vực công nghệ sinh học, đã làm chủ công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống một số cây trồng nông nghiệp như khoai môn, ba kích, lan kim tuyến...

Các chính sách của trung ương, của tỉnh về cơ giới hóa nông nghiệp và giảm tổn thất sau thu hoạch đã được triển khai thực hiện. Số lượng máy móc trong nông nghiệp tăng lên hằng năm, mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất hàng năm (lúa, ngô, rau màu) chiếm 90%; khâu thu hoạch lúa khoảng 85%, trong đó hơn 30% sử dụng máy gặt đập liên hoàn; cơ giới hóa trong phun thuốc bảo vệ thực vật cho lúa, ngô là 10%, cho cây ăn quả là 80%; cơ giới hóa chế biến chè 90%; sử dụng máy thái, máy nghiền thức ăn chăn nuôi trên 85%. Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu làm đất, gieo trồng đến thu hoạch góp phần mở rộng diện tích canh tác, tăng năng suất lao động.

Để khai thác được mối lợi từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại, thì nhân tố quan trọng nhất vẫn là con người. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ứng dụng công nghệ thông minh trong các khâu, công đoạn khác nhau mang lại nhiều kết quả tích cực. Bước đầu người sản xuất đã mạnh dạn ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh từ giống, canh tác, thu hoạch, phân phối tiêu dùng, khép kín. Nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, trồng rau quả trong nhà lưới đã, đang được nhân rộng ở các địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỉnh Bắc Kạn có hơn 250ha rau, củ, quả sản xuất theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm. Có 5 mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Chợ Mới, Chợ Đồn, Ngân Sơn, Bạch Thông, thành phố Bắc Kạn. Gần 90ha cây cam, quýt, 63ha cây hồng không hạt, 5ha cây mơ và 104ha chè được cải tạo, thâm canh, chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc VietGAP.

Tiếp cận ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp ở tỉnh ta bước đầu đã xuất hiện những điểm sáng “dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư”. Nổi bật trong số này là HTX nông nghiệp Thanh niên Như Cố (Chợ Mới) ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất rau, quả an toàn trong nhà lưới, sản xuất chuỗi giá trị sản phẩm chè; HTX Hợp Giang (Bạch Thông) đã đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng mô hình trồng nấm công nghệ cao; nông dân Nông Văn Thành (xã Hương Nê, Ngân Sơn) đầu tư hàng trăm triệu đồng, xây dựng 1.500m2 nhà lưới áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt trồng rau, quả hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao…

Nhận định về xu thế nông nghiệp 4.0, anh Lường Đình Hùng- cố vấn, quản lý kinh doanh HTX Thanh niên Như Cố, huyện Chợ Mới khẳng định: “Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh một cách nhanh chóng, chính xác là công cụ hữu hiệu giúp kết nối thông tin về khoa học, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm”.

Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Thanh niên Như Cố (Chợ Mới).
Mô hình trồng rau trong nhà lưới của HTX Thanh niên Như Cố (Chợ Mới).

Cơ hội và thách thức

Hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa bền vững, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, tỉnh Bắc Kạn đã, đang, tiếp tục xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách, khuyến khích các hộ sản xuất, kinh doanh giỏi thuê đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đầu tư phát triển thành gia trại, trang trại; các hộ sản xuất, kinh doanh liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp để phát triển sản xuất tập trung với quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông, lâm nghiệp theo định hướng của tỉnh. Tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, ưu tiên cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, quản lý vùng nguyên liệu áp dụng quy trình sản xuất an toàn thực phẩm hoặc VietGAP, bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 giảm thiểu sức lao động và tăng năng suất lao động. Tuy nhiên, ứng dụng này mới được một số doanh nghiệp triển khai và sẽ khá khó khăn để có thể tạo nên làn sóng mạnh mẽ ở Bắc Kạn trong thời gian ngắn. Bởi lẽ, lĩnh vực sản xuất nông, lâm  nghiệp còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém: Sử dụng đất đai chưa hợp lý, còn lãng phí lớn; cơ cấu kinh tế nông nghiệp và ngành nghề nông thôn chuyển dịch chậm; sản xuất còn manh mún, tự phát, thiếu ổn định và quy mô sản xuất nhỏ lẻ và phân tán; trình độ sản xuất không đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp, giá thành cao, khả năng cạnh tranh kém. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ cao như: Sử dụng giống mới, kỹ thuật canh tác bền vững, sản xuất gắn kết với thị trường và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàng hóa còn hạn chế, thậm chí yếu kém. Công nghệ chế biến nông sản, nhất là công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến sau thu hoạch phát triển chậm. Đây là những thách thức không hề nhỏ trên hành trình xây dựng nền nông nghiệp 4.0 ở tỉnh ta.

Để khai thác được tiềm năng và chuyển đổi cách sản xuất, tiếp cận ứng dụng công nghệ mới cần nghiên cứu chính sách và doanh nghiệp trong việc thúc đẩy sự tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Từ thực tế phát triển ở địa phương cho thấy, phải kết nối được các doanh nghiệp, nhà đầu tư với nông dân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nông nghiệp; lựa chọn công nghệ phù hợp, sản phẩm phù hợp gắn với mỗi vùng miền và thị trường. Thực hiện ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 ở các nơi có điều kiện nhưng không loại trừ các hình thái sản xuất nông nghiệp truyền thống. Đặc biệt, cần lấy doanh nghiệp làm trung tâm, ứng dụng và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hình thành các chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững, an toàn, cạnh tranh./.

Lê Trang

Xem thêm