Băn khoăn thị trường sách tham khảo: Nhiều nhưng khó lựa chọn

Dạo qua một số hiệu sách của thị xã Bắc Kạn, có thể thấy cơ man sách tham khảo được bày bán. Mẫu mã trình bày đẹp, tên sách nghe rất kêu và giá mỗi quyển cũng dao động từ 20.000 đến 30.000đ. Rừng sách tham khảo thật phong phú và đa dạng, càng ở các lớp cuối cấp thì càng có nhiều đầu sách. Có thể điểm qua như: môn Toán lớp 9 có 5 đầu sách, Văn lớp 12 có 6 đầu sách, môn Anh văn lớp 12 có 9 đầu sách, đặc biệt môn Ngữ văn lớp 9 có 10 đầu sách (gồm các cuốn: Đọc – hiểu văn bản Ngữ văn 9, Bài tập trắc nghiệm Ngữ văn 9, Ngữ văn 9 Từ tiếp nhận đến thực hành của Nhà xuất bản Giáo dục.Những bài làm văn mẫu- NXB tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, Giới thiệu câu hỏi và bài tập trắc nghiệm Ngữ văn 9, Nâng cao Ngữ văn 9, Đề luyện thi và kiểm tra Ngữ văn 9 của NXB Hà Nội, Những bài văn chọn lọc- NXB Đại học Sư phạm, Học tốt Ngữ văn 9- NXB Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh).

Ngay cả bậc Tiểu học, môn Toán lớp 5 cũng có tới 4 đầu sách tham khảo: Giúp em học tốt Toán 5, 10 chủ đề trắc nghiệm khách quan- NXB Hà Nội, Giúp em học giỏi Toán 5- NXB Đại học sư phạm, Hướng dẫn tự giải bài tập Toán 5- NXB Thanh Hoá.

Chị Nguyễn Thị Oanh- nhân viên bán hàng của Nhà sách tự chọn Kim Hoàn, tổ 3 phường Phùng Chí Kiên (thị xã Bắc Kạn) cho biết: các loại sách tham khảo của khối Trung học phổ thông được nhiều người tìm mua, đặc biệt sách tham khảo của lớp 11 hiện nay hiệu đã hết hàng. Chủ hiệu sách Hương Nhung- tổ 7A phường Đức Xuân (TX Bắc Kạn) nhận xét: Người mua chủ yếu là học sinh, bởi các em tự biết mình cần mua và học loại sách nào. Cũng có một số phụ huynh học sinh đi mua sách cho con, song đa số đều rất lúng túng trước quá nhiều tên sách. Không ít người chọn giải pháp mua… tất cả cho “chắc ăn”. Đại đa số người mua hàng đều muốn mua sách do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành, vì cho rằng đó là tài liệu chuẩn, bám sát chương trình. Tại hiệu sách, chúng tôi gặp ánh mắt băn khoăn của hai học sinh trường THPT Bộc Bố trước giá sách đầy ắp. Em Lý Văn Hầu cho biết “Từ sáng sớm, các em phải đi xe khách từ Pác Nặm xuống thị xã chỉ để tìm mua sách bài tập, nhưng chưa biết nên chọn loại sách nào”.

Trong khi giờ học trên lớp có hạn, việc tự học và nghiên cứu thêm tài liệu ngoài sách giáo khoa là công việc cần thiết của mỗi học sinh. Chỉ cần trông vào số đầu sách tham khảo bày bán trên thị trường cũng có thể thấy vai trò, vị trí của chúng đối với việc học. Tuy nhiên, với từng ấy sách thì cuốn nào thực sự chuẩn về kiến thức, cuốn nào có phương pháp phù hợp và bám sát chương trình giáo dục hiện hành?

Có thể thấy, nhiều sách tham khảo có nội dung gần giống nhau, có chung một hay nhiều thành viên đứng tên đồng tác giả. Thậm chí, nhiều cuốn chỉ tập trung vào việc giải các bài tập mà sách giáo khoa đề ra. Có không ít học sinh đã coi sách giải bài tập và sách tham khảo là “phao” cứu hộ cho tính lười học và hổng kiến thức của mình. Hiện nay cũng chưa thấy cấp, ngành chức năng nào đứng ra tập hợp so sánh về nội dung kiến thức và phương pháp mà các sách tham khảo đưa ra.

Hậu quả của việc học “máy móc” theo nhiều loại tài liệu hướng dẫn có thể khiến học trò ỷ lại và lười tư duy. Hẳn dư luận chưa thể quên những băn khoăn về bài thi môn văn đạt điểm 10 của một thí sinh thi vào trường Đại học Đà Nẵng. Dư luận cho rằng nó quá giống so với một bài văn mẫu trong sách tham khảo. Với những bài văn đầy lời hay ý đẹp trong các cuốn “Để học tốt môn Văn”, học sinh không cần phải rung động, cảm xúc gì nữa mà chỉ cần… học thuộc.

Đã đến lúc ngành giáo dục cần kiểm duyệt kỹ càng hơn nữa và có cơ chế chặt chẽ trong việc cho phép xuất bản các tài liệu tham khảo. Các bậc phụ huynh và học sinh cần nghiên cứu kỹ nội dung, xác định rõ mục đích để mua và sử dụng tài liệu tham khảo cho hiệu quả, tránh lãng phí tiền bạc của phụ huynh và học sinh./.

Xem thêm