Nguy cơ ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn tập thể là rất lớn, từ đó gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe cộng đồng. Trước tình hình trên, việc nâng cao trách nhiệm đối với mỗi đơn vị, địa phương, doanh nghiệp trong công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho bữa ăn tập thể là việc làm rất cấp thiết.
Kiểm tra nhanh bát ăn tại bếp ăn bán trú Trường Mầm non Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Bắc Kạn). |
Hiện trên địa bàn tỉnh có 179 bếp ăn tập thể tại các trường mầm non, tiểu học tổ chức ăn bán trú cho học sinh và nhiều bếp ăn tập thể của các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Tuy nhiên, việc kiểm soát chất lượng nguồn nguyên liệu cung cấp cho các cơ sở chế biến thực phẩm, chế biến suất ăn công nghiệp còn nhiều bất cập. Do khống chế về giá thành nên nhiều bếp ăn tại các doanh nghiệp và khu công nghiệp chọn mua nguyên liệu có nguồn gốc khác nhau, không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ trước đến nay, mảng bảo đảm vệ sinh ATTP tại bếp ăn tập thể các công ty, mỏ, khu công nghiệp còn bỏ ngỏ. Vì thế nguy cơ xảy ra ngộ độc thực phẩm tại những nơi này rất cao.
Trong 10 tháng đầu năm 2021, do tình hình dịch Covid-19 nên ngành chuyên môn không tổ chức được các đợt thanh, kiểm tra. Còn tính riêng trong năm 2020, ngành chức năng đã phối hợp kiểm tra liên ngành 41 đợt với 4.418 cơ sở. Qua đó phát hiện 26 cơ sở vi phạm; thanh, kiểm tra chuyên ngành 03 đợt, số cơ sở được kiểm tra 06; trong đó cơ sở đạt là 05, cơ sở bị xử lý 01; phối hợp với ngành Giáo dục giám sát tại các bếp ăn tập thể bán trú. Qua kiểm tra cho thấy, tình hình an toàn thực phẩm nhìn chung còn nhiều bất cập. Lỗi thường gặp là sử dụng hàng hết hạn sử dụng, dụng cụ dùng để chế biến và ăn uống chưa đảm bảo vệ sinh, không có dụng cụ dùng cho thực phẩm sống và chín riêng, chưa có hợp đồng mua bán thực phẩm…
Theo ông Nguyễn Thanh Cao- Trưởng phòng Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế): “Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho công nhân sẽ do Phòng chúng tôi chịu trách nhiệm chính. Thời gian tới, công tác thanh, kiểm tra an toàn thực phẩm ở các doanh nghiệp, khu công nghiệp sẽ được phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp và chính quyền địa phương siết chặt quản lý; kiên quyết không chấp nhận tình trạng doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Phòng sẽ đến từng doanh nghiệp hướng dẫn cách thiết lập hệ thống tự kiểm tra thức ăn. Hướng dẫn doanh nghiệp cam kết và làm giấy phép đầy đủ. Sau đó, đơn vị sẽ tiến hành thanh, kiểm tra định kỳ; tổ chức tập huấn, diễn tập và đưa ra những phương án nếu có ngộ độc hàng loạt cho các doanh nghiệp”.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Đinh Mạnh Cường, bên cạnh việc đảm bảo an toàn thực phẩm cho công nhân thông qua các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, phải tăng cường quản lý đầu mối cung cấp thức ăn sạch cho công nhân để bữa ăn đảm bảo an toàn. Sở Y tế sẽ chủ trì lập bản cam kết giữa 3 bên (gồm Sở Y tế, Liên đoàn Lao động và Ban quản lý Khu công nghiệp). Trong đó Sở Y tế là đầu mối liên lạc tổng hợp thông tin về an toàn thực phẩm của các doanh nghiệp, là đơn vị tham gia đoàn kiểm tra. Liên đoàn Lao động tỉnh đóng vai trò là nơi tiếp nhận các phản ánh thông tin của công nhân về tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm của các doanh nghiệp nơi họ làm việc. Ban quản lý Khu công nghiệp là đầu mối liên kết giữa các doanh nghiệp, là thành viên trong đoàn kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể thuộc quyền quản lý của Ban quản lý Khu công nghiệp. Thời gian tới, Sở sẽ có công văn gửi tất cả doanh nghiệp có bếp ăn tập thể, hướng dẫn doanh nghiệp cách đảm bảo an toàn thực phẩm cho công nhân. Mặt khác văn bản này ràng buộc trách nhiệm rõ ràng của doanh nghiệp. Khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm chính./.
Kim Dung (Sở Y tế)