Bảo tồn và sử dụng hiệu quả cây dược liệu quý hiếm ở VQG Ba Bể

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Dự án “Khai thác, sử dụng kiến thức bản địa trong bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng của đồng bào dân tộc thiểu số góp phần bảo vệ đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng tại vùng đệm Vườn quốc gia Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn”, đã góp phần tạo sinh kế cho người dân từ cây dược liệu quý hiếm và nâng cao nhận thức về bảo vệ hệ sinh thái rừng.
Cán bộ dự án hướng dẫn người dân nhận biết và bảo tồn các loại cây dược liệu quý hiếm.

Cán bộ dự án hướng dẫn người dân nhận biết và bảo tồn các loại cây dược liệu quý hiếm.

Trước những cảnh báo về tình trạng kháng thuốc, tác dụng phụ của thuốc tây, nhiều người tiêu dùng đang có xu hướng sử dụng những bài thuốc dân gian, sử dụng các bài thuốc có sẵn trong tự nhiên.

Với sự tài trợ từ Chương trình các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc, Liên hiệp các Hội Khoa học và thuật tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với UBND huyện Ba Bể, Viện Nghiên cứu rau quả, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng công nghệ cao trong Nông Lâm nghiệp (Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên), lựa chọn 3 nơi để thực hiện dự án là các thôn Nà Lẻ (xã Quảng Khê), Nà Lườn, Nà Slải (xã Hoàng Trĩ). Tổng diện tích giao cho cả 3 thôn quản lý bảo vệ là hơn 866ha, đều là rừng phòng hộ, thuộc vùng đệm của VQG Ba Bể. Trong đó, dự án đã lựa chọn 300ha rừng để xây dựng mô hình vệ sinh rừng, bảo tồn và phát triển một số loài cây dược liệu quý với 60 hộ dân tham gia.

Một trong những nội dung được dự án quan tâm và xác định, đó là 107 cây đa mục đích được người dân bản địa xác định là loài cây dược liệu quý, sử dụng để chữa một số loại bệnh, nâng cao thể trạng sức khỏe như: Giảo cổ lam, hoài sơn, bồ khai tía, xiên cân lực, xạ đen, khôi nhung đỏ, hà thủ ô…

Trong đó, đã lựa chọn thực hiện 1,2ha cây hoài sơn, năng suất đạt 20 tấn/ha, sau khi trừ các chi phí còn cho thu nhập gần 57 triệu đồng/1,2ha; đối với cây giảo cổ lam dự án lựa chọn hộ gia đình ông Ma Văn Úy và Nông Thị Bảy với diện tích thực hiện hơn 500m2, sau khi thu hoạch đợt 1 từ cuối năm 2022, trừ các chi phí cho thu nhập trên 40 triệu đồng.

Chị Hoàng Thị Xoa, thôn Nà Slải, xã Hoàng Trĩ cho biết: Tham gia dự án, thông qua tập huấn gia đình nhận biết được loại cây nào là cây dược liệu quý, tác dụng của từng cây đối với từng loại bệnh khác nhau. Qua đó nhiều gia đình đã biết bảo vệ các loài cây dược liệu quý, khai thác vừa phải, tích cực trồng nhân rộng và chăm sóc để khai thác được lâu dài, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo. Thời gian tới gia đình sẽ lựa chọn một số loại cây dược liệu quý phù hợp để trồng nhân rộng và phát triển dưới tán rừng đã nhận giao khoán với VQG Ba Bể, tiến tới liên kết bán sản phẩm là các cây dược liệu quý.

TS. Hoàng Ngọc Đường, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn chia sẻ: Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng, hiện nay có rất nhiều cây dược liệu quý sử dụng để chữa bệnh, hỗ trợ điều trị trong công tác chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chúng ta chưa sử dụng, khai thác và phát huy được tiềm năng lợi thế lớn này để góp phần giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Do vậy, để phát huy khai thác được thế mạnh này cần có cơ chế, chính sách thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị của cây dược liệu. Vận dụng kiến thức bản địa của đồng bào các dân tộc để bảo vệ và phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học VQG Ba Bể và các khu bảo tồn của tỉnh Bắc Kạn, góp phần tạo sinh kế, môi trường trong sạch giúp nâng cao cuộc sống của đồng bào.

Được biết, dự án lần này triển khai tại Ba Bể đã tuyên truyền đến người dân về những cây thuốc sẵn có trong tự nhiên, hướng dẫn xây dựng quy trình kỹ thuật khai thác đối với từng loại cây bảo đảm khả năng tái sinh tự nhiên, không gây biến động lớn đối với quần thể. Nâng cao nhận thức của người dân và cộng động dân cư trong việc bảo tồn nguồn tài nguyên dược liệu… đây cũng là hướng đi giúp người dân phát triển kinh tế rừng bền vững./.

Xem thêm