Bảo vệ, phục hồi hệ sinh thái Vườn Quốc gia Ba Bể

BBK - Năm 2023, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Ba Bể đã nỗ lực thực hiện tốt các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đặc dụng theo hướng bền vững và đa dạng sinh học. Nhờ đó hệ sinh thái rừng được bảo vệ và phục hồi tốt hơn.
Nhiều cây gỗ quý hiếm ở VQG Ba Bể được lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, bảo vệ.

Nhiều cây gỗ quý hiếm ở VQG Ba Bể được lực lượng kiểm lâm thường xuyên kiểm tra, bảo vệ.

Vườn Quốc gia (VQG) Ba Bể có diện tích tự nhiên hơn 10.048ha, nằm trên địa bàn 07 xã: Thượng Giáo, Khang Ninh, Cao Thượng, Quảng Khê, Nam Mẫu, Hoàng Trĩ của huyện Ba Bể và xã Nam Cường của huyện Chợ Đồn. Diện tích vùng đệm là 25.309ha thuộc 07 xã: Thượng Giáo, Cao Thượng, Khang Ninh, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc - huyện Ba Bể và xã Nam Cường huyện Chợ Đồn, với 45 cộng đồng thôn bản đang thụ hưởng chính sách quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ theo quy định.

Hằng năm, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã trên địa bàn tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân thông qua các cuộc họp thôn, ký cam kết về việc bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, rà soát bổ sung nhân lực đối với các tổ/nhóm đã nhận giao khoán bảo vệ rừng. Kiểm lâm địa bàn phối hợp với các tổ/nhóm đi tuần rừng tại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng tự nhiên dễ bị xâm phạm.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với người dân tuần tra nhằm bảo vệ rừng hiệu quả, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến rừng.

Cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên phối hợp với người dân tuần tra nhằm bảo vệ rừng hiệu quả, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến rừng.

Hiện dân số sống trong vùng lõi VQG không ngừng tăng, trình độ dân trí chưa đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu và có nhu cầu sử dụng tài nguyên rừng cao; cộng đồng dân cư sống tại vùng thấp tổ chức các hoạt động du lịch tự phát; việc khai thác trái phép gỗ nhóm IIA (nghiến) và săn bắn, bẫy thú diễn biến phức tạp... nên gây áp lực đến môi trường, đe dọa phá vỡ cảnh quan thiên nhiên, là thách thức lớn đối với công tác bảo tồn.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm của VQG Ba Bể đã phát hiện 04 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp. Trong đó: 01 vụ vi phạm các quy định chung, 01 vụ phát phá rừng trái phép, 01 vụ cháy rừng và 01 vụ vận chuyển lâm sản trái pháp luật. Các vụ việc trên đã được cơ quan chức năng xử lý theo quy định. Nhìn chung, tình hình vi phạm Luật Lâm nghiệp giảm so với năm 2022, hệ sinh thái rừng tiếp tục được bảo vệ và phục hồi tốt hơn.

Anh Vi Triệu Quỳnh, thôn Khuổi Tăng, xã Cao Thượng (Ba Bể).

Anh Vi Triệu Quỳnh, thôn Khuổi Tăng, xã Cao Thượng (Ba Bể).

Theo anh Vi Triệu Quỳnh, Trưởng nhóm tuần rừng của thôn Khuổi Tăng, xã Cao Thượng cho biết: Hiện toàn thôn có hơn 80 hộ dân được chia làm 6 tổ tuần rừng trên diện tích khoảng 140ha. Các tổ thay phiên đi kiểm tra những khu vực rừng đã nhận giao khoán. Mỗi lần đi tuần đều phối hợp với kiểm lâm viên địa bàn cùng đi nhằm bảo đảm an toàn, nghiêm túc và thực hiện có chất lượng, hiệu quả công tác tuần rừng. Nhờ vậy trong hai năm trở lại đây, ở thôn không có vụ việc nào xâm phạm đến rừng, không để xảy ra cháy rừng. Người dân trong thôn đã được nâng cao nhận thức, ý thức về bảo vệ và phát triển rừng, chỉ sử dụng các loại lâm sản phụ được cấp có thẩm quyền cho phép khai thác sử dụng như lá dong, măng, nấm…

Theo ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể chia sẻ: Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc bảo vệ rừng đặc dụng tại VQG Ba Bể còn một số khó khăn như: Nguồn thu từ du lịch trong VQG Ba Bể chưa được trích để lại cho công tác bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Các dịch vụ du lịch còn nghèo nàn, chưa đổi mới, mang tính chất tự phát. Cơ sở hạ tầng về cơ bản chưa đáp ứng được công tác quản lý và các hoạt động của đơn vị; cộng đồng dân cư sinh sống trong vùng lõi đông, hoạt động vận chuyển khách du lịch tiềm ẩn gia tăng ô nhiễm khu vực, ô nhiễm hồ Ba Bể, tình trạng phát triển các nhà nghỉ, nhà hàng xung quanh hồ, bồi lắng lòng hồ vẫn còn diễn biến phức tạp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, Vườn Quốc gia Ba Bể mong muốn các cấp, ngành chức năng của tỉnh và Trung ương nghiên cứu, có phương án chia sẻ nhiệm vụ và lợi ích với các bên liên quan. Vấn đề cấp thiết hiện nay là cần xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái, dịch vụ và giáo dục môi trường gắn với bảo tồn, phát triển rừng bền vững; xây dựng khu hành chính mới, trung tâm cứu hộ, khu nhà nghỉ, để phục vụ công tác bảo tồn và phát triển du lịch; cải tạo nâng cấp các cơ sở hạ tầng khác như: Trạm kiểm lâm, chòi canh; cải tạo và nâng cấp đường giao thông để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và khách du lịch, cũng như để phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; mua sắm mới các trang thiết bị, máy móc để tuần tra, kiểm soát, thu thập số liệu phục vụ công tác./.

Xem thêm