Bế mạc hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15

 
 

Ngày  25-10, tại Cha Am - Hủa Hỉn, Vương quốc Thái-lan, đã diễn ra Lễ bế mạc Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, cùng với việc chính thức công bố Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN bắt đầu từ ngày 1-1-2010.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng (Toàn văn bài phát biểu) về năm Chủ tịch ASEAN 2010, trong đó nhấn mạnh hợp tác ASEAN có tầm quan trọng chiến lược đối với Việt Nam và Việt Nam luôn là thành viên tích cực, chủ động và trách nhiệm. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, Việt Nam sẽ quyết tâm và ưu tiên cao nhất để thực hiện thành công trọng trách Chủ tịch ASEAN 2010.


Thủ tướng nêu bật trọng tâm ưu tiên trong năm Chủ tịch ASEAN 2010 của Việt Nam là: Góp phần tăng cường đoàn kết và liên kết ASEAN, hoàn tất việc đưa Hiến chương ASEAN vào cuộc sống, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN; đồng thời mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác giữa ASEAN với các bên đối tác, qua đó, nâng cao vai trò và vị thế của ASEAN. Theo đó, Việt Nam đã đưa ra chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2010 là "Hướng tới Cộng đồng ASEAN: Từ Tầm nhìn đến Hành động". Nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam sẽ bắt đầu từ ngày 1-1-2010 đến 31-12-2010.


Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam rời Cha Am - Hủa Hỉn, kết thúc tốt đẹp chuyến tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 và các Hội nghị cấp cao với các đối tác bên ngoài.


* Sáng cùng ngày, tại Cha Am - Hủa Hỉn, Vương quốc Thái-lan, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao Ðông Á (EAS) lần thứ tư với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Ðông-Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Ðộ, Niu Di-lân, Ô-xtrây-li-a. Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đều đánh giá khuôn khổ Cấp cao Ðông Á đã phát triển tích cực, đặc biệt là giúp tăng cường đối thoại và hợp tác khu vực, vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng ở Ðông Á. Các nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh hợp tác và phối hợp hành động, nhằm sớm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính hiện nay và phục hồi bền vững sau khủng hoảng. Theo đó, các nhà lãnh đạo hoan nghênh kết quả tích cực của Hội nghị cấp cao nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) vừa qua; nhất trí cần đẩy mạnh hợp tác khu vực về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hạ tầng giao thông; tiếp tục nghiên cứu khả thi lập Ðối tác Kinh tế toàn diện Ðông Á (CEPEA). Các nhà lãnh đạo cũng cam kết đẩy mạnh hợp tác khu vực để đối phó có hiệu quả những thách thức toàn cầu như an ninh năng lượng và lương thực, môi trường và biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; đồng thời gia tăng hợp tác về giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, giao lưu văn hóa và nhân dân.


Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ra Tuyên bố Cấp cao Ðông Á về kiểm soát thiên tai, và Tuyên bố báo chí chung về việc khôi phục Ðại học Na-lan-đa tại Ấn Ðộ.


Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hợp tác trong khuôn khổ Cấp cao Ðông Á cần ưu tiên đẩy mạnh hợp tác về giáo dục và đào tạo, phục vụ sự phát triển của nền kinh tế tri thức và đối phó có hiệu quả với các thách thức toàn cầu. Thủ tướng đề nghị các nước có thế mạnh về giáo dục và đào tạo đi đầu thúc đẩy hợp tác và hỗ trợ ASEAN, đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, trong lĩnh vực này. Thủ tướng cũng nêu rõ ý nghĩa của việc gắn kết giữa hợp tác giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong khu vực về các vấn đề cụ thể như phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường, phòng tránh dịch bệnh... Theo đó, Thủ tướng đề nghị các nước cùng xây dựng một chương trình giáo dục cộng đồng, để nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ thiên tai, chuẩn bị kỹ năng phòng, chống và ứng phó với hậu quả thiên tai. Ngoài ra, trước hiện tượng biến đổi khí hậu và nguy cơ nước biển dâng, Thủ tướng cũng đề nghị các nước đối tác tham gia và hỗ trợ việc lập một Trung tâm giáo dục về môi trường Ðông Á đặt tại Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình quốc gia về đối phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng.


Cùng ngày, lãnh đạo các nước liên quan đã chứng kiến lễ ký Hiệp định Ưu đãi và Miễn trừ ASEAN; và các Bản ghi nhớ về thành lập Trung tâm ASEAN - Trung Quốc, về Hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ và về Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hài hòa hóa các tiêu chuẩn kỹ thuật.


* Bên lề Hội nghị cấp cao Ðông Á được tổ chức tại Cha Am - Hủa Hỉn, Vương quốc Thái-lan, ngày 25-10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Thủ tướng Ấn Ðộ Man-mô-han Xinh.


Tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng M.Xinh đều bày tỏ hài lòng trước quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Ðộ phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao hợp tác với Ấn Ðộ trên các lĩnh vực kinh tế, chuyển giao thiết bị, công nghệ và giáo dục - đào tạo, đồng thời đề nghị hai bên tiếp tục thúc đẩy triển khai các cơ chế hợp tác sẵn có và thiết lập các cơ chế hợp tác mới.


Thủ tướng M. Xinh khẳng định, Chính phủ và nhân dân Ấn Ðộ luôn có tình cảm sâu đậm với Việt Nam và coi trọng quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Ðộ. Giới doanh nghiệp Ấn Ðộ cũng rất quan tâm đến hợp tác kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, Thủ tướng M. Xinh cho rằng hai bên không nên hài lòng về mức độ hợp tác hiện nay mà cần nỗ lực thúc đẩy hơn nữa hợp tác thực chất và hiệu quả trên các lĩnh vực thương mại, đầu tư, quốc phòng và an ninh. Sau khi ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) về hàng hóa, Ấn Ðộ sẵn sàng tiếp tục đàm phán Hiệp định FTA về dịch vụ và đầu tư với ASEAN. Ấn Ðộ cũng đánh giá cao việc Việt Nam là Chủ tịch ASEAN năm 2010 và hy vọng Việt Nam sẽ hỗ trợ thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Ðộ với ASEAN ngày càng phát triển. Ngay sau cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng M.Xinh đã chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ về việc Ấn Ðộ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Theo Nhân dân

 

Xem thêm