Bệnh khô cành, héo lá trên cây bạch đàn là do nấm

BBK - Như thông tin đã đưa, vừa qua tại một số huyện trong tỉnh, người dân phản ánh hiện tượng cây bạch đàn bị khô cành, héo lá chưa rõ nguyên nhân. Để làm rõ nguyên nhân của bệnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê diện tích và kiểm tra, đánh giá tình hình sinh vật gây hại rừng trồng bạch đàn tại xã Như Cố, huyện Chợ Mới.

bach-5-4441-970.png
Biểu hiện bệnh khô cành, cháy lá trên cây bạch đàn.

Kết quả kiểm tra cho thấy, cây bạch đàn xuất hiện bệnh cháy lá, khô cành ngọn do nấm Cryptosporiopsis eucalypti gây ra. Bệnh cháy lá, khô cành ngọn thường phát sinh, gây hại vào đầu mùa mưa, bệnh hại nặng làm lá cây bị khô, cháy, cây sinh trưởng phát triển kém. Hiện tại, các diện tích bị bệnh cây đã ra lá mới, chưa phát hiện cây bị chết.

Sở NN&PTNT đề nghị các huyện, thành phố chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính và dự báo chính xác tình hình phát sinh và mức độ gây hại các đối tượng sinh vật gây hại trên cây lâm nghiệp.

Thường xuyên kiểm tra vườn rừng, áp dụng các biện pháp kỹ thuật lâm sinh để chăm sóc, bảo vệ rừng trồng bạch đàn. Khi phát hiện bệnh cần chặt bỏ hết các cành lá bị bệnh đem tiêu hủy để tránh bệnh lây lan trước mùa mưa.

Khi bệnh chớm xuất hiện, sử dụng một trong các loại thuốc bảo vệ thực vật để phun phòng trừ như: Zin 80WP, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Zineb Bul 80WP… Chú ý tuyển chọn các giống, loài bạch đàn nuôi cấy mô đã được Bộ NN&PTNT công nhận (giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng) để đưa vào trồng rừng nhằm hạn chế thiệt hại sau này./.

Xem thêm