Vào tháng 5, tháng 6 là lúc những trái bí vào vụ thu hoạch, mỗi quả bí trong vườn nếu chăm sóc tốt có thể đạt trọng lượng từ 2-3kg. Các xã Yến Dương, Địa Linh, Chu Hương là những vùng trồng nhiều bí nhất. Thời điểm chính vụ, dọc 2 bên đường 258, rất nhiều điểm tập kết bày bán bí để phục vụ khách qua đường hoặc bán cho thương lái. Theo nhận định chung, vụ bí năm nay quả không sai nhưng giá cả ổn định, đầu vụ 20.000 đồng/kg, đến giữa vụ giá tại vườn là 10.000 đồng/kg. Lý do quả không sai là do ảnh hưởng của thời tiết, đầu vụ hạn hán, sâu bệnh gây hại, phổ biến là bệnh héo xanh, bệnh sương mai khiến cho một số cây không thể phát triển.
Cùng với các hoạt động quảng bá xúc tiến thương mại giới thiệu về sản phẩm quả bí xanh thơm gắn với hình ảnh du lịch hồ Ba Bể, việc tiêu thụ sản phẩm bí xanh thơm rất thuận lợi, giúp kinh tế nhiều hộ dân có sự cải thiện rõ rệt. Sản phẩm đã được các HTX trên địa bàn như: HTX Nhung Lũy, HTX Yến Dương, HTX Địa Linh… kết nối, tiêu thụ ổn định cho người dân.
Cụ thể như HTX Nhung Lũy, mỗi năm tiêu thụ hàng nghìn tấn bí/vụ; HTX Yến Dương tiêu thụ lên đến hàng trăm tấn/vụ. Giá trị của quả bí được nâng lên khi HTX sản xuất trà bí sấy khô, một loại trà uống được thị trường ưa chuộng. Đến nay trà bí đã thành sản phẩm hàng hóa được phân phối trên nhiều tỉnh, thành phố.
Để duy trì ổn định về diện tích, năng suất, người dân trong vùng đã được tiếp cận nhiều lớp tập huấn khoa học kỹ thuật cải tạo, nâng cao chất lượng cây bí, sản xuất theo hướng hữu cơ. Đến nay toàn huyện có trên 20ha vùng trồng bí được chứng nhận hữu cơ tiêu chuẩn PGS.
Mặc dù quả bí xanh thơm đã được khẳng định trên thị trường, nhưng điều đáng lo ngại nhất đối với người trồng bí thơm đó là tình trạng bệnh hại trên cây bí xảy ra khá phổ biến gây ảnh hưởng đến năng suất. Cụ thể là bệnh sương mai, bệnh héo xanh khiến cây bị héo, chết. Một số vườn bị bệnh này thậm chí còn không thể thu hoạch, nhiều hộ đã chủ động khắc phục bằng cách phun, phòng trừ nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Theo ngành chuyên môn, để phòng trừ 2 bệnh này cần phải xử lý tốt từ khâu làm đất để loại bỏ tàn dư thực vật gây hại, nhổ bỏ cây bệnh, đốt tiêu hủy, luân canh cây trồng khác.
Năm 2024, toàn tỉnh trồng được hơn 230ha bí xanh thơm, trong đó huyện Ba Bể chiếm 180ha. Để giữ gìn thương hiệu quả bí xanh thơm, duy trì vùng nguyên liệu ổn định, các cấp chính quyền, ngành chức năng cần thường xuyên nắm bắt những thuận lợi, khó khăn đối với các hộ trồng bí. Cử cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, thăm vườn để phát hiện các bệnh gây suy giảm năng suất, hướng dẫn, đưa ra các biện pháp kỹ thuật, khuyến cáo cần thiết cho người dân nhằm giúp cây trồng phát triển ổn định, mang lại hiệu quả kinh tế bền vững./.