Các chủ thể OCOP đẩy mạnh kênh bán hàng online

BBK - Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, các chủ thể OCOP tỉnh Bắc Kạn hiện đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm qua các kênh bán hàng online. Bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

business-photo-collage-poster-in-cream-light-brown-in-simple-style-8093-6048.jpg
Nhiều doanh nghiệp, HTX tích cực giới thiệu quảng bá và bán sản phẩm trên các nền tảng mạng xã hội.

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt, xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) tập trung sản xuất dưa lưới. Sau nhiều năm, đến nay, dưa lưới của HTX được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Để đảm bảo chất lượng, sản lượng và đầu ra của sản phẩm, các thành viên HTX nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt thường xuyên quảng bá trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, facebook, TiKToK... Do quảng bá thường xuyên nên sản phẩm của HTX được nhiều người biết đến và đặt mua, nhờ đó HTX đã phát triển ổn định. Năm 2023, HTX mở rộng quy mô nhà lưới lên hơn 1.000m2.

Ông Nông Văn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt: “Hằng ngày, công việc chính của tôi là chăm sóc vườn dưa trong nhà lưới. Mỗi giai đoạn phát triển của cây dưa, tôi đều chụp ảnh giới thiệu đến với khách hàng. Từ khâu gieo ươm, đến khi cây đủ điều kiện để trồng, tăng cường chất dinh dưỡng cho cây, rồi thụ phấn cho hoa đến kiểm tra độ đường của quả... Với cách làm này tôi đã tiếp cận và xây dựng được nhiều mối khách quen, ngoài các mối đặt hàng ổn định trong và ngoài tỉnh, tôi đã tiếp cận nhiều đơn hàng mới ”.

Miến dong Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì) khẳng định thương hiệu, được người tiêu dùng trong nước ưa chuộng, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Cộng hòa Séc. Dù sản lượng tiêu thụ ổn định, bà Nguyễn Thị Hoan và các thành viên HTX vẫn thường xuyên livestream về các hoạt động của HTX trên nền tảng mạng xã hội để quảng bá và mở rộng đối tượng tiếp cận. Khi nhận được đơn hàng, bà trực livestream quy trình đóng gói sản phẩm, vừa tạo niềm tin cho khách hàng, vừa quảng bá sản phẩm đến nhiều người tiêu dùng.

z5959619410810-7664a7575993e26dc924e5b1ecf5a9d6-9903-2146-3721-4756.jpg
Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Na Rì) livestream giới thiệu sản phẩm miến dong Tài Hoan cao cấp.

Bà Nguyễn Thị Hoan, Giám đốc HTX Tài Hoan (Na Rì): “Để khách hàng tin tưởng, yên tâm sử dụng sản phẩm, ngoài quy trình sản xuất nghiêm ngặt, chất lượng sản phẩm uy tín là tiêu chí hàng đầu, chúng tôi cũng thường xuyên tạo ra mẫu mã, bao bì đẹp, hiện đại, sang trọng để khách hàng mua làm quà biếu. Hiện HTX tiếp tục xây dựng và mở rộng vùng liên kết sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương".

Bán hàng online bao gồm đẩy hình ảnh quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số, đặc biệt livestream là một chiến lược hiệu quả. Vì vậy, nhiều tổ chức, đơn vị đã tập huấn kỹ năng này cho các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Bà Hoàng Thị Mười, Giám đốc HTX Hoàng Mười (Ba Bể): “Đối với các chủ thể kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, hình thức bán hàng qua livestream trực tiếp chưa phổ biến, họ chưa có kỹ năng, kinh nghiệm về hình thức bán hàng này. Vì vậy, thông qua các hoạt động thực hành livestream là chương trình tập huấn thiết thực, ý nghĩa”.

Bán hàng online là một hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng rộng rãi chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, thu hẹp khoảng cách giữa các thành phố lớn và các địa phương. Các chủ thể OCOP tỉnh Bắc Kạn đang tích cực tiếp cận công nghệ số, nâng cao trình độ sử dụng các ứng dụng công nghệ trên điện thoại thông minh, cách thức tham gia các nền tảng số, kỹ năng livestream... để quảng bá hình ảnh sản phẩm, sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, từ đó nâng tầm giá trị thương hiệu của nông sản tỉnh Bắc Kạn.

z5961902409876-f289e7be5a667d2b8d74aa14e3628110-7274-559.jpg
HTX Hương Ngàn (Bạch Thông) tham gia học tập mô hình bán hàng trên nền tảng số.

Hiện nay, các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn đã có tem truy xuất nguồn gốc. Các chủ thể kinh tế đã ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến sản phẩm, sử dụng phần mềm Quản lý khách hàng, ghi chỉ số và hóa đơn điện tử. Có công nghệ sản xuất, có sản phẩm chất lượng, các HTX, doanh nghiệp từng bước thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm qua các nền tảng xã hội, sàn thương mại điện tử. Tích cực đổi mới công nghệ, đổi mới phương pháp tiếp cận thị trường trên nền tảng số.

z5959619410812-1b06454c122ab226548d64d589bb58ea-9998-2547.jpg
Các chủ thể được tập huấn bán hàng online trên các nền tảng mạng xã hội.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, thời gian tới tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, ngành chuyên môn phối hợp, hỗ trợ các chủ thể kinh tế đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số. Từ đó, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh, giá trị kinh tế cao.

Đến nay, các sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Kạn đang từng bước có sự thay đổi về mẫu mã, chất lượng, bao bì, đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng hành cùng các chủ thể kinh tế, các ngành, chính quyền địa phương tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ các chủ thể sản phẩm ocop thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác giữa người sản xuất và người tiêu dùng./.

Xem thêm