Cưa xăng (cưa lốc) là một dụng cụ nhỏ, gọn, có thể sử dụng vào đa mục đích như phát dọn thực bì, cắt củi, cắt tỉa cây xanh, thu dọn chuồng trại… nếu được sử dụng đúng mục đích thì đây là một dụng cụ lao động rất thiết thực đối với người dân, vì nó góp phần tăng năng suất lao động, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí. Từ những ưu điểm mang lại đó, không ít người đã sử dụng cưa lốc để khai thác, chặt phá rừng trái phép.
Chính sự tiện lợi vì nhỏ gọn, có thể tháo rời phần xích và phần lưỡi khỏi thân cưa để vác vào rừng và lắp ghép lại cũng dễ dàng. Nhiên liệu sử dụng cho một chiếc cưa xăng không lớn, mỗi chiếc cưa được đổ đầy bình chỉ khoảng 1,5 lít xăng là có thể hoạt động vài tiếng đồng hồ, có thể cưa đổ nhiều cây gỗ lớn... Vì thế, để hạn chế các vụ vi phạm khai thác, chặt phá rừng trái phép, công tác kiểm soát công cụ cưa xăng càng phải được chú trọng.
Để kiểm soát việc sử dụng các dụng cụ cưa xăng, năm 2012, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1718/2012/QĐ-UBND ngày 19/10/2012 về quy chế sử dụng cưa xăng, phương tiện độ chế tại các Khu bảo tồn và Vườn Quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thông qua hình thức tuyên truyền, vận động, nhiều chủ phương tiện đã tự nguyện khai báo, đăng ký chứng nhận sử dụng cửa xăng với UBND xã. Các hình thức quản lý cưa xăng hiện được quản lý theo hai hình thức là tập trung và không tập trung.
Hiện tại đối với Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ đang quản lý 401 chiếc cưa xăng (huyện Na Rì 244, huyện Bạch Thông 157), theo đó đã cấp giấy chứng nhận sử dụng là 369/401 chiếc, trong đó quản lý tập trung 144 chiếc. Còn đối với Khu bảo tồn loài- sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Chợ Đồn) đang quản lý 148 chiếc, hình thức quản lý không tập trung, người dân tự bảo quản phương tiện, tuy nhiên phải thực hiện việc khai báo, cam kết không sử dụng cưa xăng hoặc phương tiện độ chế để khai thác vận chuyển gỗ và lâm sản trái phép, chịu sự giám sát, theo dõi của ngành chức năng, chính quyền địa phương.
Ông Đặng Văn Hải, Giám đốc Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ, huyện Na Rì cho biết: “Mặc dù việc quản lý sử dụng cưa xăng đã đi vào nếp, tuy nhiên vẫn chưa thể kiểm soát được hết số lượng cưa xăng trôi nổi. Về việc này, đơn vị tiếp tục tuyên truyền đến thôn, vận động các hộ sử hữu cưa xăng chủ động khai báo, đăng ký với xã để thuận lợi cho việc quản lý”. Từ đầu năm đến nay, tại các địa phương, phát hiện 02 vụ việc phát phá rừng liên quan đến cưa xăng. Các đối tượng sử dụng cưa xăng đã qua mua bán lại tại các cửa hàng và chưa thực hiện đăng ký sử dụng với ngành chức năng.
Theo một số địa phương, quá trình thực hiện việc quản lý cưa xăng còn một số khó khăn như: Các chốt, trạm kiểm lâm còn xa khu dân cư nên người dân đi lại để lấy cưa xăng khó khăn vì tốn chi phí; một số đối tượng khai báo gian dối, khai báo chủ sở hữu không rõ ràng; máy cưa là tài sản lớn của một số hộ gia đình nên họ không muốn giao cho quản lý tập trung vì để lâu ngày không được bảo quản sẽ hỏng; các vùng giáp ranh chưa có cơ chế, quy định việc sử dụng cưa xăng nên các đối tượng đã lợi dụng cấu kết với bên ngoài đem máy sang sử dụng.
Để cưa xăng được sử dụng đúng quy định, công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo, xin cấp giấy chứng nhận sử dụng cần gắn với quy ước, hương ước và các nội dung thi đua như một tiêu chí bình xét gia đình văn hóa, thôn bản văn hóa… Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc sử dụng cưa xăng của các chủ sở hữu đảm bảo thực hiện tốt công tác quản lý cưa xăng tại các trạm, chốt kiểm lâm, hộ gia đình. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có nhu cầu sử dụng, kiên quyết tịch thu cưa xăng đối với trường hợp các chủ sở hữu mang cưa xăng vào khu vực cấm./.