Cần tu bổ các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn

ATK Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn) là quần thể di tích quốc gia đặc biệt, mang giá trị lịch sử to lớn. Các di tích thuộc quần thể di tích này đang rất cần được đầu tư tu bổ tương xứng, chống xuống cấp…

ATK Chợ Đồn (huyện Chợ Đồn) là quần thể di tích quốc gia đặc biệt, mang giá trị lịch sử to lớn. Các di tích thuộc quần thể di tích này đang rất cần được đầu tư tu bổ tương xứng, chống xuống cấp…

Khu căn cứ địa cách mạng an toàn khu (ATK) Chợ Đồn nằm ở phía Bắc của chiến khu Việt Bắc. Trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, cùng với các huyện Đại Từ, Định Hoá (Thái Nguyên), Sơn Dương, Chiêm Hoá (Tuyên Quang), huyện Chợ Đồn đã được Trung ương Đảng, Bác Hồ chọn làm an toàn khu. Ngày 22/12/2016, quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg.

Quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn bao gồm 25 điểm di tích, trong đó có 06 điểm di tích được xếp hạng cấp quốc gia; 03 điểm di tích được xếp hạng cấp tỉnh và 16 điểm di tích đã được đưa vào danh mục kiểm kê di tích.

Cần tu bổ các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn ảnh 1

Hiện trạng khu vực di tích Pù Cọ khá đơn giản, lán tạm được làm cách đây vài năm đã hư hỏng.

 

Nhìn chung, quần thể di tích lịch sử ATK Chợ Đồn chưa được tu bổ tương xứng với giá trị lịch sử. Ngày 31/12/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2819/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư, bảo tồn, tôn tạo phục hồi các di tích. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn kinh phí nên nhiều điểm di tích trong dự án chưa được tu bổ kịp thời, cụ thể như: Di tích Nà Quân, xã Bình Trung; di tích Đồi Pù Cọ, xã Nghĩa Tá; di tích Khau Mạ, xã Lương Bằng.

Nhiều di tích đã bị xuống cấp, hiện chỉ còn nền lán, dấu ấn của vị trí, như: Nền nhà hội trường tám mái của Trung ương Đảng tại di tích Nà Quân, xã Bình trung; điểm gặp nhau của hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến tại di tích đồi Pù Cọ, xã Nghĩa Tá; các nền nhà của Văn phòng Trung ương Đảng tại khu di tích Khuổi Linh, xã Nghĩa Tá.

Một số di tích đã được đầu tư tôn tạo từ lâu, đến nay đã bị hư hỏng, xuống cấp, như: Di tích Nà Quân, xã Bình Trung; di tích Khau Mạ, xã Lương Bằng... Cùng với đó, với các di tích được tu bổ, tôn tạo trước đó thì do đã lâu, quy mô nhỏ lẻ, không đồng bộ và tính mỹ thuật chưa cao và cũng đã xuống cấp nhiều. Một số di tích tuy đã được tu bổ, tôn tạo nhưng chưa khai thác, phát huy được giá trị để phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như di tích Bản Ca, Khuổi Linh và Nà Pậu.

Mới đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch kết hợp với huyện Chợ Đồn tiến hành khảo sát các điểm di tích. Thực tế khảo sát cho thấy, cả 06 điểm di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia, gồm: Di tích lịch sử Bản Ca (xã Bình Trung), là nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh cuối năm 1947; di tích lịch sử Nà Quân thuộc thôn Nà Kham (xã Bình Trung), nơi đặt Hội trường Trung ương Đảng từ năm 1948-1952; di tích lịch sử Khuổi Linh thuộc thôn Nà Đeng (xã Nghĩa Tá) là nơi ở và làm việc của đồng chí Trường Chinh và Văn phòng Trung ương Đảng năm 1950-1951; di tích lịch sử Pù Cọ thuộc thôn Bản Bẳng (xã Nghĩa Tá), đây là nơi ghi dấu sự kiện hai đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau, cũng là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp ở và làm việc thời kỳ trước cách mạng tháng 8/1945; di tích lịch sử Nà Pậu thuộc thôn Bản Thít (xã Lương Bằng) là nơi ở và làm việc của Bác Hồ đầu năm 1950-1951; di tích lịch sử Khau Mạ thuộc thôn Bản Vèn (xã Lương Bằng) là nơi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng và Văn phòng Chính phủ năm 1950-1951, phần lớn đều được đầu tư đã lâu, quy mô không tương xứng với giá trị lịch sử vốn có và đã bị xuống cấp.

Cần tu bổ các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn ảnh 2

Bia ghi dấu địa điểm đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau được xây dựng khá đơn giản.

 

Qua khảo sát và từ thực tế hiện trạng của các di tích, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã sơ bộ đề xuất, kiến nghị kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn với tổng kinh phí hơn 21 tỷ đồng. Theo thứ tự ưu tiên như sau: Đối với di tích lịch sử Khau Mạ, cần tu bổ tổng thể các hạng mục (Xây mới bậc lên khu di tích, xây mới cổng vào, lát lại sân, xây tường rào, xây mới bia và nhà che bia, biển báo di tích; tôn tạo hầm trú ẩn, phục hồi lán ở và làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng), với kinh phí dự kiến hơn 4 tỷ đồng.

Đối với di tích lịch sử Nà Quân, đề xuất xây mới nhà che bia, làm bia mới bằng đá xanh, xây mới cổng vào, thay tường rào và phỏng dựng hội trường tám mái, với kinh phí dự kiến hơn 5,7 tỷ đồng. Với di tích lịch sử Pù Cọ, đề xuất xây đài tưởng niệm, xây bậc lên xuống, xây mới cổng, làm đường nối từ đỉnh đồi đoàn quân Nam tiến và Bắc tiến gặp nhau sang đỉnh đồi nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp ở và làm việc… với kinh phí dự kiến  hơn 11 tỷ đồng.

Có thể thấy, việc tu bổ các di tích thuộc quần thể di tích quốc gia đặc biệt ATK Chợ Đồn là rất cần thiết, nhưng điều kiện của tỉnh rất khó khăn để thực hiện. Vì thế, rất cần sự quan tâm, đầu tư của Trung ương để tu bổ cho tương xứng với giá trị lịch sử của các di tích lịch sử này. Đồng thời, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm công tác quản lý về văn hóa của địa phương nhằm phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn./.

Hoàng Vũ

Xem thêm