Chờ đợi hành lang kinh tế du lịch Bó Lù- Cốc Tộc- Pác Ngòi từ sau quy hoạch

Đã có những dự án đầu tư được khởi động như việc việc Ngân hàng Phát triển Châu Á ADB và Bộ Văn hoá- Thể thao và Du lịch cùng Ban Quản lý dự án phát triển du lịch Mê Kông đã ký kết bản ghi nhớ “ Dự án phát triển du lịch bền vững vùng Mê Kông mở rộng”. Theo đó nguồn vốn tài trợ 11,11 triệu USD sẽ được dành cho 05 tỉnh trong vùng Mê Kông mở rộng. Hay như việc tỉnh ta đã chào giá Hồ Ba Bể từ 50- 100 triệu USD cho việc kêu gọi đầu tư xây dựng dự án phát triển du lịch sinh thái tại đây bao gồm cụm nhà hàng, khách sạn, tổ chức hội nghị... Việc quy hoạch cho dân cư sinh sống trong vùng hồ là việc quan trọng hỗ trợ cho những dự án lớn sau này.

Ba thôn Bó Lù- Cốc Tộc- Pác Ngòi là ba đơn vị hành chính thuộc xã Nam Mẫu huyện Ba Bể (Bắc Kạn) nằm dọc theo bờ Nam Hồ Ba Bể có nhiều lợi thế về quỹ đất xây dựng và cảnh quan thiên nhiên phong phú rất thuận lợi cho phát triển du lịch sinh thái. Quy hoạch được ba thôn sẽ ổn định dân cư và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội tại đây phục vụ cho ngành du lịch. Mục tiêu đó đã được cụ thể hoá trong Quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái Hồ Ba Bể từ 1999- 2020 do Viện nghiên cứu phát triển du lịch- Tổng Cục Du lịch lập từ năm 2000 và nhất là dự án Quy hoạch chi tiết đất xây dựng cho 03 thôn đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 01/02/2005. Ban Quản lý Dự án- Sở Xây dựng cho biết : Bố trí hợp lý sẽ tạo nên tổ chức kiến trúc hoàn thiện với Bó Lù là trung tâm chính trị- văn hoá- kinh tế của xã Nam Mẫu, Pác Ngòi là điểm du lịch văn hoá còn Cốc Tộc trở thành điểm du lịch sinh thái. Đây hoàn toàn có thể trở thành một hành lang kinh tế với ngành công nghiệp không khói hết sức hiệu quả. Với tổng vốn đầu tư hơn 10 tỷ đồng thì những mục tiêu đó hoàn toàn có thể nhanh chóng đạt được.

Nam Mẫu vẫn là một xã nghèo, cả ba thôn vẫn dựa chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp và đánh bắt thuỷ sản là chính. Du lịch là thế mạnh hiện hữu nhưng vẫn chưa được phát huy tối đa vì vậy tổng diện tích hơn 2.201ha vẫn còn chưa được tận dụng tối đa khi chưa quy hoạch. Trên cơ sở đó với khu vực nghiên cứu rộng 120ha sẽ quy hoạch khu xây dựng tập trung cho Bó Lù 20ha, Cốc Tộc 25ha va Pác Ngòi 30ha. Theo những quy hoạch đó thì ở Bó Lù sẽ có một số công trình công cộng như trụ sở làm việc của UBND, nhà văn hoá thôn, trường học, khu dân cư nằm dọc đường 254 kết hợp với thương mại… Trong khi đó khu Cốc Tộc nằm sâu trong thung lũng sẽ có khu nghỉ dưỡng sinh thái, cao cấp, câu cá giải trí, vui chơi dưới nước… Còn bản đá Pác Ngòi nằm sát chân núi phía Nam tỉnh lộ 254 sẽ được chỉnh trang hạ tầng cơ sở tổ chức thành khu bảo tồn văn hoá dân tộc kết hợp khai thác dịch vụ mang bản sắc địa phương. Cũng theo Sở Xây dựng thì căn cứ vào định hướng phát triển của tỉnh cũng như Vườn Quốc gia thì mỗi thôn bản trong khu vực vườn chỉ dừng lại ở con số 300 người/50 hộ thì tính toán quy hoạch đến 2010 dân số sẽ ở mức gần 1000 người và khách du lịch lưu trú sẽ có khoảng 300 người/3 thôn. Có nghĩa nguồn lợi kinh tế thu về là rất lớn đồng thời giảm được áp lực từ việc dân số tăng lên cả mức thu nhập và vùng lõi Vườn Quốc gia.

Quy hoạch 3 thôn trên là quy hoạch điểm rất có ý nghĩa ở tỉnh ta vì vậy định hướng kiến trúc là điều hết sức quan trọng. Hình thức kiến trúc ở Bó Lù sẽ mang tính nhẹ nhàng, mang tính địa phương, ăn nhập với khung cảnh thiên nhiên và chỉnh trang lại khu vực bến phà. Điều này cũng được áp dụng với hai thôn còn lại tuy nhiên khu Pác Ngòi sẽ được sắp xếp lại cho phù hợp với du lịch. Bên cạnh đó còn có quy hoạch chi tiết xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật như giao thông, kỹ thuật đất đai xây dựng, cấp nước, thoát nước và vệ sinh môi trường, hệ thống cấp điện, hệ thống thông tin bưu điện, tổng hợp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm cho quy hoạch sẽ phát huy tối đa tiềm năng sẵn có cùng những hạng mục đầu tư về sau đưa kinh tế phát triển.

Các dự án sẽ được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, viện trợ của nước ngoài và kêu gọi đầu tư từ những cá nhân hay tổ chức để thực hiện một chủ trương hết sức đúng đắn của tỉnh. Khi quy hoạch chi tiết được triển khai hoàn thiện sẽ tạo nên một diện mạo mới cho vùng đất còn nhiều khó khăn này để hình thành một hành lang kinh tế du lịch Bó Lù- Cốc Tộc- Pác Ngòi trong tương lai./.

Xem thêm