Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình chỉ đạo huyện Na Rì huy động tổng lực hỗ trợ người dân sau bão

BBK - Sáng 13/9, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn đi kiểm tra, nắm tình hình thiệt hại và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai do ảnh hưởng của bão số 3 tại huyện Na Rì.

IMG_4245.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình kiểm tra vị trí sạt lở sau trụ sở Công an xã Quang Phong.

Cùng đi có đại diện lãnh đạo các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Giao thông vận tải, Văn phòng UBND tỉnh.

Trước khi làm việc chính thức với UBND huyện Na Rì để nghe báo cáo về tình hình thiệt hại và công tác khắc phục, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã đi kiểm tra mức độ thiệt hại tại: Trạm Y tế và trụ sở Công an xã Quang Phong; điểm sạt lở ở thôn Khu Chợ, xã Xuân Dương; trụ sở Công an xã Cư Lễ.

Tại những địa điểm trên, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp thị sát vị trí, mức độ sạt lở, nghe báo cáo, đánh giá nguy cơ và phương án khắc phục. Đồng chí động viên và đề nghị các đơn vị chủ động khắc phục theo khả năng hiện có, trước mắt là dọn dẹp vệ sinh bùn đất để sớm trở lại làm việc. Yêu cầu các ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, hỗ trợ xử lý kịp thời, triệt để hậu quả thiên tai.

IMG_4279.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình và lãnh đạo huyện Na Rì động viên cán bộ, nhân viên Trạm Y tế Quang Phong.

Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác, UBND huyện Na Rì cho biết: Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 khiến nhiều địa phương trên địa bàn huyện Na Rì chịu tổn thất về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông – lâm nghiệp, tổng thiệt hại ước khoảng 33 tỷ đồng. Hiện nay, huyện đang tập trung chỉ đạo huy động nhân lực, vật lực giúp người dân khắc phục hậu quả thiên tai. Tính đến 16h, chiều ngày 12/9, toàn huyện có 161 nhà bị thiệt hại; 04 trường học tại xã Kim Hỷ, Sơn Thành, Dương Sơn, Cường Lợi bị tốc mái các lớp học, đổ tường rào, ngập nước; Trạm Y tế và Trụ sở Công an xã Quang Phong, Trụ sở Công an xã Cư Lễ bị sạt lở.

Về nông, lâm nghiệp, 448ha bị ngập nước, gãy đổ, trong đó: Cây lúa là 105ha; cây ngô, rau màu 200ha; cây ăn quả 7,7ha; lâm nghiệp 135ha; 14ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Các tuyến đường giao thông bị sạt lở tại 85 điểm với khối lượng khoảng gần 4.700m3 đất, đá; hư hỏng 05 cầu bê tông, trôi 04 cầu tạm…

IMG_4423.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Trong suốt những ngày bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, huyện Na Rì đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở. Các xã thị trấn huy động được trên 460 người bao gồm lực lượng xung kích, công an xã, cán bộ, công chức, người dân tại địa phương và huy động các phương tiện như ô tô, xe máy,… hỗ trợ Nhân dân di chuyển tài sản, khắc phục các hư hỏng về nhà ở để ổn định cuộc sống; khắc phục, xử lý tạm thời các điểm giao thông bị ảnh hưởng do thiên tai…

Do mức độ thiệt hại về hạ tầng tương đối lớn, khái toán khoảng hơn 10 tỷ đồng, vượt ngoài khả năng của địa phương, UBND huyện Na Rì kiến nghị hỗ trợ thêm 6 tỷ đồng, cùng nguồn của địa phương để khắc phục những vị trí sạt lở lớn, nguy hiểm. Cùng với đó là giúp địa phương giải quyết tình trạng ngập úng lâu, thường xuyên tại thôn Lủng Pảng (Côn Minh) và thôn Kim Vân (Kim Hỷ).

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, thiệt hại do cơn bão số 3 đối với huyện Na Rì tương đối lớn, cả về cơ sở hạ tầng, nhà dân và sản xuất nông nghiệp. Đồng chí ghi nhận nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, ngành chuyên môn của huyện trong chủ động ứng phó, khắc phục làm giảm thiểu mức độ thiệt hại do thiên tai. Kinh nghiệm trong tuyên truyền, vận động người dân di dời sớm khỏi vị trí nguy cơ sạt lở cao, ngập lụt sâu cần được phát huy.

Đối với kiến nghị của huyện Na Rì, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp thu và sẽ xem xét để bố trí kinh phí hỗ trợ địa phương khắc phục khó khăn. Tuy nhiên, đối với các nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, Trung ương, huyện phải chủ động, nhanh chóng sử dụng kinh phí hợp lý, hiệu quả.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị huyện Na Rì tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai sớm ổn định đời sống, sản xuất. Tiếp tục theo dõi, cảnh báo, phòng ngừa những điểm có nguy cơ sạt lở cao. Quan tâm đời sống dân sinh ở những khu vực bị ảnh hưởng thiên tai, học tập của học sinh. Đối với những nhà bị thiệt hại nhẹ, địa phương huy động nhân lực, vật lực, kinh phí để hỗ trợ khắc phục. Nhà sạt đổ hoàn toàn cần huy động các nguồn lực qua Ủy ban MTTQ xây nhà “Đại đoàn kết”. Phối hợp với Sở Giao thông vận tải sớm khắc phục đoạn đường hư hỏng bảo đảm lưu thông thông suốt, an toàn. Khôi phục sản xuất nông – lâm nghiệp, thủy sản trong thời gian sớm nhất.

Đồng chí cũng đề nghị các sở, ngành quan tâm hỗ trợ, phối hợp với huyện để có tham mưu cho UBND tỉnh giải pháp giải quyết khó khăn địa phương gặp phải do thiên tai./.

Xem thêm