Dong riềng là cây trồng thế mạnh của huyện Na Rì. Vài năm trở lại đây, các cơ sở chế biến và người dân đã thực hiện theo chuỗi sản xuất khép kín từ trồng, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, qua đó nâng cao giá trị kinh tế, phát triển bền vững.
Người dân xã Côn Minh thu hoạch dong riềng. |
Thời điểm này, các hộ dân trên địa bàn huyện Na Rì đang tập trung thu hoạch dong riềng. Dong riềng năm nay được mùa, giá dao động từ 1.800 đến 2.000 đồng/kg. Đang thu hoạch nốt những khóm dong còn lại, ông Hoàng Văn Trương, thôn Chợ B, xã Côn Minh tranh thủ tiếp chuyện chúng tôi: “Gia đình tôi duy trì diện tích trồng dong riềng 1.600m2 từ nhiều năm nay. Trước đây, mỗi vụ thu hoạch phần thì bán cho một số cơ sở sản xuất, phần thì bán cho thương lái, tuy nhiên giá cả thường bấp bênh, cũng có năm giá thấp không muốn thu hoạch. Từ năm 2019, tôi ký hợp đồng bao tiêu với HTX Tài Hoan nên đầu ra ổn định. Năm nay, HTX thu mua với giá 1.800 đồng/kg tại ruộng, 2.000 đồng/kg tại xưởng. Ngoài ký hợp đồng bao tiêu, HTX còn hỗ trợ giống, phân bón nên năng suất củ cũng cao hơn trước. Với diện tích 1.600m2 gia đình tôi thu hoạch được khoảng 12 tấn củ”.
Trên địa bàn xã Côn Minh hiện có 3 HTX và 4 cơ sở sản xuất miến dong lớn. Trong đó, HTX Tài Hoan tại thôn Chè Cọ được hỗ trợ vốn của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP) và vốn đầu tư của tỉnh đầu tư hệ thống nhà xưởng với dây chuyền máy móc hiện đại, từ hệ thống rửa, nghiền bột, tráng bánh đến thái sợi, sấy miến. HTX có thể sản xuất khoảng 2 tấn miến/ngày nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Do đó, HTX có sự đầu tư riêng để ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Chị Nguyễn Thị Hoan- Giám đốc HTX Tài Hoan chia sẻ: Năm nay, HTX ký hợp đồng thu mua củ dong tại 5 xã trên địa bàn huyện với diện tích hơn 40ha, sản lượng khoảng 2.400 tấn củ của gần 700 hộ dân. Đến thời điểm này, chúng tôi đã thu mua khoảng 600 tấn. Sản phẩm miến dong của HTX tiêu thụ khắp cả nước và đã xuất khẩu sang thị trường EU hơn 15 tấn.
HTX Huấn Liên, xã Côn Minh đóng gói sản phẩm miến dong. |
Hai năm nay, xã Cư Lễ duy trì diện tích trồng dong riềng 40ha, trong đó Cơ sở sản xuất Nông Văn Luyến tại thôn Khau Ngòa đã ký hợp đồng bao tiêu 34ha ngay từ đầu vụ, diện tích còn lại người dân ký hợp đồng bao tiêu với các cơ sở khác. Những ngày này, người dân xã Cư Lễ đang tập trung thu hoạch củ dong chở đến bán tại cơ sở này nên máy móc và công nhân hoạt động liên tục. Ông Nông Văn Luyến- Chủ cơ sở sản xuất chia sẻ: “Hiện cơ sở của tôi thu mua củ dong với giá 2.000 đồng/kg. Ước tính thu hoạch hết đạt sản lượng hơn 2.000 tấn củ, tương đương khoảng 500 tấn miến. Chúng tôi ký hợp đồng phân phối sản phẩm vào các cửa hàng trong và ngoài tỉnh”.
Để bình ổn giá dong riềng, các HTX và cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện đã thành lập Hội dong riềng huyện. Hoạt động của Hội vài năm trở lại đây thực hiện bài bản hơn, không nửa vời, lỏng lẻo như trước. Vào đầu vụ hằng năm, các thành viên cùng bàn bạc thống nhất giá cả, chia vùng ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với người dân, đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất cho từng cơ sở chế biến. Điều này không chỉ ổn định giá cho người dân, tránh tư thương vào lũng đoạn thị trường như trước đây, mà còn củng cố mối liên kết giữa nông dân với các cơ sở chế biến, bảo đảm cân đối sản xuất - tiêu thụ dong riềng trên địa bàn huyện.
Đồng chí Hoàng Thị Thu Nguyệt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: “Năm 2021, toàn huyện trồng gần 260ha dong riềng, năng suất đạt 750 tạ/ha. Những năm gần đây, diện tích trồng dong riềng giảm nên 100% diện tích đều được các HTX, cơ sở sản xuất trên địa bàn huyện ký hợp đồng bao tiêu. Năm 2022, huyện có kế hoạch duy trì 260ha dong riềng, tiếp tục thực hiện tốt việc liên kết sản xuất - tiêu thụ giữa người dân với các cơ sở chế biến. Đồng thời, tích cực quảng bá sản phẩm mở rộng thị trường, tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm miến dong của địa phương”./.
Đồng Lai