13. Có được khiếu nại khi bị từ chối thụ lý trợ giúp pháp lý hay không?
Khoản 1 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định:
“Điều 45. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
a) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;
c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;
d) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.”
Khi có căn cứ cho rằng hành vi từ chối thụ lý trợ giúp pháp lý của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình, người yêu cầu trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi đó.
14. Trình tự giải quyết khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện như thế nào?
Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, trình tự giải quyết khiếu nại trong hoạt động trợ giúp pháp lý thực hiện như sau:
- Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
15. Trong pháp luật trợ giúp pháp lý quyền tố cáo được quy định như thế nào?
Quyền tố cáo trong pháp luật trợ giúp pháp lý quy định tại khoản 4 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý như sau:
- Cá nhân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hành vi vi phạm quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.
- Việc tố cáo và giải quyết tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.
16. Các tranh chấp phát sinh trong hoạt động trợ giúp pháp lý được giải quyết như thế nào?
Giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động trợ giúp pháp lý được giải quyết theo quy định tại Điều 46 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017, cụ thể:
- Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, tổ chức tư vấn pháp luật liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về dân sự.
- Trường hợp có tranh chấp giữa người được trợ giúp pháp lý với luật sư, tổ chức hành nghề luật sư liên quan đến việc thực hiện trợ giúp pháp lý thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện theo quy định của pháp luật về luật sư và quy định khác của pháp luật có liên quan.