* Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có những tổ chức nào được thực hiện trợ giúp pháp lý?
Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hiện nay có Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn và các chi nhánh của Trung tâm. Thông tin về địa chỉ của Trung tâm và các Chi nhánh, như sau:
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn
Địa chỉ: Tổ 7, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.873.430
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 1 huyện Ngân Sơn
Địa chỉ: Khu 1, thị trấn Vân Tùng, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.874.994
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 2 huyện Chợ Đồn
Địa chỉ: Tổ 3, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.841.542
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 3 huyện Ba Bể
Địa chỉ: Tiểu khu 6, thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.895.668
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 4 huyện Pác Nặm
Địa chỉ: Thôn Nà Coóc, xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.893.868
- Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 5 huyện Na Rì
Địa chỉ: Tổ nhân dân Pò Đon, thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn
Điện thoại: 02093.886.685
* Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn được quy định như thế nào?
Ngày 28/10/2021, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn đã ký Quyết định số 2034/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước. Theo Quyết định, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, do Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng.
- Chức năng của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật.
- Nhiệm vụ của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn, gồm có:
+ Xây dựng, trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt kế hoạch hoạt động hằng năm và tổ chức thực hiện kế hoạch sau khi được phê duyệt.
+ Thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành; phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh.
+ Ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với luật sư, người được cấp thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hiện trợ giúp pháp lý và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý, cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
+ Kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý và luật sư, cộng tác viên ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý với Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước.
+ Thẩm định chất lượng, đánh giá hiệu quả vụ việc trợ giúp pháp lý.
+ Đề nghị cơ quan, tổ chức có liên quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý.
+ Thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, truyền thông về trợ giúp pháp lý.
+ Giải quyết khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều 45 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.
+ Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến giải quyết vụ việc trợ giúp pháp lý.
+ Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra theo quy định của pháp luật.
+ Bồi thường thiệt hại do lỗi của người thuộc tổ chức mình gây ra trong khi thực hiện trợ giúp pháp lý.
+ Ký hợp đồng làm việc với viên chức; ký hợp đồng lao động với người lao động (nếu có) theo quy định. Trực tiếp quản lý, sử dụng và đánh giá viên chức, người lao động của Trung tâm theo phân cấp và quy định hiện hành.
+ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật và các nhiệm vụ do Lãnh đạo Sở Tư pháp phân công.
* Cơ cấu, tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Bắc Kạn được quy định như thế nào?
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn được quy định tại Quyết định số 2034/QĐ-UBND ngày 28/10/2021 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn như sau:
- Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước có Giám đốc, không quá 02 Phó Giám đốc, các trợ giúp viên pháp lý, viên chức và người lao động khác (nếu có). Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là trợ giúp viên pháp lý.
- Cơ cấu tổ chức của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, bao gồm:
+ Phòng Nghiệp vụ - Hành chính;
+ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 1 (trụ sở tại huyện Ngân Sơn);
+ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 2 (trụ sở tại huyện Chợ Đồn);
+ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 3 (trụ sở tại huyện Ba Bể);
+ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 4 (trụ sở tại huyện Pác Nặm);
+ Chi nhánh trợ giúp pháp lý số 5 (trụ sở tại huyện Na Rì).
- Các Chi nhánh trợ giúp pháp lý có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh là trợ giúp viên pháp lý.
- Trưởng Chi nhánh và Trưởng, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ - Hành chính do Giám đốc Trung tâm bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo quy định.
- Biên chế của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước là biên chế sự nghiệp do Giám đốc Sở Tư pháp phân bổ trên cơ sở Đề án vị trí việc làm được phê duyệt và nằm trong tổng số biên chế sự nghiệp của Sở Tư pháp được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao hằng năm./.
(Còn nữa)