Cơ quan, doanh nghiệp và người dân chia sẻ khó khăn do cắt điện luân phiên

Trong thời gian qua, việc cắt điện luân phiên để tiết giảm sản lượng điện mùa khô đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các khu dân cư và một số thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Trong thời gian qua, việc cắt điện luân phiên để tiết giảm sản lượng điện mùa khô đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các khu dân cư và một số thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

nha-may-xi.gif
Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn hoạt động gián đoạn do ảnh hưởng từ việc mất điện.



Công ty Cổ phần xi măng Bắc Kạn là một trong những doanh nghiệp tiêu thụ điện năng tương đối lớn ở tỉnh. Nếu như trước đây công ty này phải làm cả ca 3 thì nay giảm xuống làm 2 ca, từ khi có kế hoạch thông báo cắt điện của Điện lực Bắc Kạn. Theo ông Trần Văn Dự - Giám đốc công ty cho biết: "Việc cắt giảm điện như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất của đơn vị, sản phẩm làm ra chắc chắn sẽ ít hơn tháng trước. Do vậy chúng tôi buộc phải điều chỉnh phương án sản xuất, tiêu giảm khoảng 20% lượng điện sử dụng, trong đó tập trung sản xuất vào ca chính, tránh các giờ cao điểm". Với công suất hoạt động như hiện nay, chi phí tiền điện giảm xuống còn 350 triệu đồng/tháng thay vì khoảng 500 triệu đồng như trước đây. 

Giống hoàn cảnh của nhiều đơn vị kinh doanh khác, Công ty TNHH Nhà nước Một thành viên cấp thoát nước Bắc Kạn hoạt động được hay không cũng trông chờ vào nguồn điện cung cấp. Thời gian này công ty chịu ảnh hưởng từ việc cắt giảm điện liên tục, điện áp không đủ lớn khiến cho lượng nước không đảm bảo lưu lượng theo công suất của máy. Nếu như tháng 3 vừa qua, Công ty tiêu thụ điện năng hết khoảng 42.000 Kw thì đến tháng 4 tăng lên trên 45.000 Kw/tháng. Vì mỗi lần mất điện buộc toàn bộ hệ thống thiết bị phải khởi động lại. Bên cạnh đó, mỗi khi hệ thống máy khởi động lại ít nhiều chất lượng nguồn nước cũng bị ảnh hưởng. Phương án của công ty lúc này buộc phải điều tiết sản xuất theo lịch cắt điện của cơ quan điện lực, hạn chế sản xuất vào các giờ cao điểm nhằm đảm bảo cung cấp nước được thường xuyên. Công ty cũng đã đề xuất với cơ quan điện lực trong việc điều chỉnh nguồn điện để ưu tiên cho hoạt động của công ty, nhưng chưa được chấp thuận.

Theo lộ trình cắt điện của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc thì tỉnh Bắc Kạn được phân bổ sản lượng điện xuống còn 197.000 Mwh/tháng, trong khi trước đó sản lượng điện tiêu thụ của tỉnh là 250.000 Mwh/ tháng. Như vậy dự kiến mỗi ngày, Bắc Kạn buộc phải cắt 55 Mwh mới đảm bảo sản lượng điện phân bổ. Điện lực Bắc Kạn đã xây dựng phương án tiết giảm sản lượng điện mùa khô năm 2010 và danh sách khách hàng theo từng mức phân bổ khi tiết giảm sản lượng điện. Phương án này đã được UBND tỉnh phê duyệt tại quyết định số 848/QĐ-UBND ngày 21/4/2010. Trong phương án trên việc cắt giảm đã ghi rõ khách hàng từng địa bàn, khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trong đó chỉ có một vài đơn vị buộc phải đảm bảo điện liên tục như Bệnh viện tỉnh, Ban chỉ huy quân sự tỉnh, Bưu điện, Viễn thông... Còn các khối doanh nghiệp sản xuất sẽ được các chi nhánh điện thông báo kế hoặch ngừng cung cấp điện để họ chủ động. Các khu vực quốc lộ có hệ thống đèn điện chiếu sáng, đèn điện quảng cáo cũng phải cắt giảm, nhiều khu dân cư sẽ cắt luân phiên vào buổi sáng và chiều tối. Theo ông Nguyễn Xuân Thu- Phó Giám đốc Điện lực Bắc Kạn thì phải đến giữa tháng 7 nguồn điện mới ổn định trở lại, như vậy tình trạng cắt điện sẽ còn kéo dài thêm 2 tháng nữa.

Trong bối cảnh thiếu điện chung của cả nước, chắc chắn hoạt động sản xuất và sinh hoạt các doanh nghiệp, cơ quan đóng trên địa bàn cũng như người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Tuy nhiên, để hạn chế thấp nhất sự xáo trộn do mất điện, thiết nghĩ ngành điện cần cụ thể hoá hơn nữa lịch cắt điện. Trong đó đảm bảo ổn định và thống nhất lịch cắt điện đối với từng khu vực và đơn vị, bên cạnh những thông báo chung trên phương tiện thông tin đại chúng. Về phía người sử dụng điện, cần nâng cao hơn nữa ý thức tiết kiệm điện, chia sẻ khó khăn chung của cả nước trong việc tiết giảm tiêu thụ điện năng vào mùa khô./.


T. Trang

Xem thêm