Đó là lời tâm sự của đồng chí Trần Công Hoạt, Bí thư Chi bộ tổ 7a phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn, là thương binh hạng 4/4. Gặp ông ở tuổi ngoài 60, nhưng ông vẫn không chịu ngơi tay. Vừa làm việc, ông vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện thật đời thường nhưng hết sức cảm động.
Thời trai trẻ, khi đất nước lâm nguy, ông Hoạt cũng như bao thanh niên khác hồ hở lên đường bảo vệ tổ quốc. Tham gia chiến đấu tại các chiến trường: Quảng Trị, Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Trong những năm tháng chiến đấu, Ông đã từng 3 lần bị thương. 2 lần bị sức ép từ những trận bom dữ dội. Lần bị nặng nhất vào năm 1975 khi đang tham gia chỉ huy tiền phương tại chiến trường phía nam Ông bị pháo đánh, nhiều mảnh đạn găm vào đầu, chân tay…nghỉ dưỡng một thời gian, vết thương lành trở lại ông tiếp tục tham gia chiến đấu đến năm 1978 Ông trở về Lâm trường huyện Bạch Thông công tác.
Ông tâm sự: thời gian mới trở về địa phương, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế eo hẹp, sức khoẻ giảm sút nhưng Ông vẫn cố gượng dậy tìm mọi việc để thoát khỏi cảnh đói nghèo. Ngoài công việc cơ quan, ông tranh thủ thời gian phụ giúp gia đình kinh doanh, buôn bán, làm chổi chít bán… Nuôi con cái ăn học thành đạt. Đến nay các con ông đều đã thành đạt, các cháu nội, ngoại của Ông đều học giỏi. Kinh tế mở cửa, ông bàn với vợ mở cửa hàng kinh doanh, dần dà kinh tế gia đình của ông ngày một khấm khá thu nhập của gia đình ông hiện nay không dưới 100 triệu đồng/năm.
Với bản chất anh bộ đội Cụ Hồ, không chịu ngồi yên một chỗ. Khi các con ông phương trưởng ông đã tham gia tích cực vào công tác xã hội. Từ năm 1990 đến năm 1994 Ông đảm nhiệm chức Bí thư, kiêm tổ trưởng tổ 7, Phường Đức Xuân; từ năm 1994 đến 2004 Ông tham gia làm việc tại UBND phường, phụ trách mảng văn hoá- xã hội. Từ năm 2004 đến nay, Ông tiếp tục làm Bí thư Chi bộ tổ 7a.
Mỗi cương vị công tác, ông luôn được đánh giá là người tận tâm, tận lực. Thời kỳ Ông phụ trách mảng văn hoá- xã hội của phường Đức Xuân, Ông luôn đi sâu, đi sát cơ sở, tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình để trợ cấp khó khăn đúng đối tượng. Ông cùng các cấp Chính quyền địa phương xoá xong nhà tạm cho đối tượng khó khăn. Xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, quỹ vì người nghèo…nay phong trào này đã trở thành nề nếp.
Tổ dân phố của Ông, trước kia là “điểm nóng” tệ nạn xã hội, trên địa bàn có 5 đối tượng nghiện ma tuý. Ông đã cùng với phường, phối hợp với lực lượng công an triệt phá các tụ điểm ma tuý. Đối tượng nghiện được ông vận động đi cai, những người sau cai nghiện được ông gợi ý tìm những công việc phù hợp với sức khoẻ. Các cơ quan, đơn vị nhận những người trong tổ đã từng nghiện ma tuý vào làm việc đều được ông cùng phường đứng ra bảo lãnh.
Là tổ nằm trung tâm thị xã, người dân bị thu hồi khá nhiều đất để xây dựng đô thị, ông khuyến khích bà con chuyển hướng làm ăn từ làm nông nghiệp sang kinh doanh, làm dịch vụ. Đến nay trong tổ của Ông có 52 hộ , hầu hết đều làm kinh doanh, dịch vụ cuộc sống của bà con đều khấm khá. Nếu như năm 2002 tổ 7a có 7 hộ nghèo thì đến nay chỉ có 1 hộ nghèo.
Mặc dù ở tuổi nghỉ ngơi nhưng ông Hoạt luôn sát sao với công việc của Chi bộ. |
Chi bộ tổ 7 a có 14 đảng viên luôn cùng ông tích cực vận động bà con khu phố sống văn minh. Trong các buổi sinh hoạt Chi bộ, Ông thường xuyên vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào nhắc nhở các đảng viên khác phải luôn thực hành tiết kiệm, sống và làm việc phải trách nhiệm, hết mình… Hàng năm 100% đảng viên trong Chi bộ của Ông luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không có đảng viên yếu kém. Trong 5 năm ( từ năm 2003 -2008), Chi bộ tổ 7a do Ông làm Bí thư luôn đạt tập thể Chi bộ trong sạch vững mạnh xuất sắc, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Chi bộ, nhân dân tổ 7 a, phường Đức Xuân, thị xã Bắc Kạn luôn tự hào có ông Trần Công Hoạt, người thương binh mẫu mực, luôn tận tâm, tận lực với công việc. Ông luôn xứng đáng với lời căn dặn của Bác “ Thương binh tàn nhưng không phế” ./.
Sông Hương