Cựu chiến binh Trần Văn Bật hăng say phát triển kinh tế

Trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được các hội viên cựu Thanh niên xung phong trên địa bàn huyện Ba Bể nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó nổi bật là mô hình làm kinh tế giỏi của ông Trần Văn Bật, ở thôn Tin Đồn, xã Thượng Giáo.

Trong những năm qua, phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình luôn được các hội viên cựu Thanh niên xung phong trên địa bàn huyện Ba Bể nhiệt tình hưởng ứng. Trong đó nổi bật là mô hình làm kinh tế giỏi của ông Trần Văn Bật, ở thôn Tin Đồn, xã Thượng Giáo.

Ông Trần Văn Bật chăm sóc diện tích rừng mỡ đã cho thu hoạch
Ông Trần Văn Bật với rừng mỡ của gia đình đã đến tuổi khai thác.

Từng tham gia chiến đấu, mở đường giao thông phục vụ cho chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ năm 1954, năm 1964 sau khi rời quân ngũ trở về, ông Trần Văn Bật tiếp tục tham gia vào công tác chính quyền, công tác đảng ở địa phương. Đến năm 1986 do sức khoẻ yếu nên     ông đã được về nghỉ theo chế độ chính sách của Nhà nước. Sau khi trở lại đời thường, mặc dù tuổi đã cao, nhưng cựu chiến binh Trần Văn Bật vẫn luôn hăng say tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình. Không cam chịu sống cảnh nghèo khó, năm 1989 ông cùng gia đình quyết định xin nhận 5 ha đất đồi để đầu tư phát triển chăn nuôi và trồng màu. Những năm đầu khi mới được xét cấp đất, ông và gia đình tập trung vào trồng sắn để nuôi lợn, gà. Bên cạnh đó ông còn học hỏi qua sách báo, ti vi cách ươm giống cây để tự ươm cây về trồng. Sau 5 năm, ông và gia đình đã trồng được hơn 10 nghìn cây các loại gồm keo, mỡ, thông. Nhờ cần cù chịu khó, sau mấy năm lao động vất vả, vườn rừng của ông đã cho thu nhập. Khi đã tích luỹ được ít vốn, sau khi tìm hiểu trên thị trường, nhận thấy nhu cầu giống cây lâm nghiệp đối với bà con nông dân trên địa bàn rất lớn, nên ngoài việc ươm cây giống để tự phục vụ cho gia đình, hàng năm ông ươm từ 3 đến 4 vạn cây mỡ, ươm 3.000 cây rau ngót rừng để bán cho bà con địa phương. Ngoài ra, ông Bật còn nuôi thêm gà, vịt, lợn, ong mật để tăng thu nhập cho gia đình. Với mô hình phát triển kinh tế tổng hợp này, hàng năm gia đình ông có khoản thu nhập gần trăm triệu đồng, cuộc sống ngày càng ổn định. Ông Bật cho biết: Việc trồng rừng chưa đem lại hiệu quả kinh tế ngay, nhưng người làm kinh tế phải kiên trì, xen canh để "lấy ngắn nuôi dài". Thấy mô hình kinh tế nhà ông Bật có hiệu quả cao, nhiều bà con trong thôn cũng làm theo, hiện toàn thôn có hơn 16ha rừng.



Ngoài việc làm kinh tế giỏi, ông Trần Văn Bật còn tích cực phối hợp với các đoàn thể trong xã tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn chấp hành tốt mọi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tham gia đóng góp, hướng ứng các phong trào hoạt động ở địa phương. Ông đã tặng cho Hội Cựu chiến binh và Hội Cựu thanh niên xung phong ở địa phương gần 2 vạn cây giống các loại.

Với những kết quả đã đạt được, vừa qua ông Trần Văn Bật đã vinh dự được cử đi tham dự Hội nghị biểu dương Cựu thanh niên xung phong tiêu biểu toàn quốc lần thứ III; được Ban chấp hành Hội cựu TNXP Việt Nam tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua cựu thanh niên xung phong giúp nhau làm kinh tế giỏi để thoát nghèo, vì nghĩa tình đồng đội.



Duy Khánh

Xem thêm