KHUYẾN CÔNG:

Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sâu khoáng sản

BBK - Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến sâu khoáng sản, trong những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã nỗ lực tháo gỡ khó khăn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp khoáng sản trên địa bàn.

Khuyến công 5.jpg
Nhà máy Feromangan 60.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn (huyện Chợ Đồn) hoạt động trong tình trạng thiếu nguyên liệu.

Hoạt động khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn

Theo ngành Công thương, tỉnh Bắc Kạn hiện có 273 mỏ và điểm khoáng sản, điểm khoáng hoá thuộc 24 loại khoáng sản, trong đó tiềm năng về khoáng sản kim loại là khá triển vọng, đặc biệt là quặng chì, kẽm có trữ lượng lớn nhất cả nước; ngoài ra, còn các loại khoảng sản khác có giá trị cao, như: Vàng, sắt, thạch anh… Do đó, tỉnh luôn quan tâm, định hướng quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, đồng thời chủ động đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung quy hoạch chế biến sâu gắn với khai thác khoáng sản nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng khoáng sản của địa phương.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 14 giấy phép khai thác khoáng sản chì, kẽm còn hiệu lực với tổng công suất trên 286.000 tấn quặng nguyên khai/năm (trong tổng trữ lượng được phép khai thác khoảng 3,3 triệu tấn quặng). Tuy nhiên, thực tế khai thác hằng năm chỉ đạt từ 155.000 – 170.000 tấn quặng. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện khai thác xuống sâu ngày càng khó khăn, địa chất phức tạp, đặc điểm thân khoáng biến đổi không đạt kỳ vọng như báo cáo thăm dò trữ lượng; một số mỏ dừng hoạt động do không tìm thấy thân quặng hoặc chưa thi công khai thác do đang thực hiện thủ tục đất đai, môi trường theo quy định.

Khuyến công 3.jpg
Chế biến đá thạch anh tại Công ty TNHH Anh Vũ (huyện Ngân Sơn).

Về hoạt động khai thác khoáng sản sắt, hiện toàn tỉnh có 04 giấy phép khai thác còn hiệu lực với tổng công suất khai thác hơn 322.000 tấn quặng nguyên khai/năm (trong tổng trữ lượng được cấp phép là 7,16 triệu tấn quặng sắt). Thế nhưng, thực tế khai thác hiện nay chỉ đạt khoảng 120.000 – 180.000 tấn quặng/năm (đạt bình quân khoảng 46,5% công suất cấp phép), nguyên nhân không đạt công suất là do có 01 đơn vị khai thác không hiệu quả, thường xuyên dừng sản xuất; điều kiện khai thác khó khăn, khối lượng đất đá bóc thải lớn.

Ngoài khoáng sản kim loại tiềm năng như chì, kẽm, sắt thì tỉnh Bắc Kạn còn có tiềm năng về khoáng sản khoáng công nghiệp như đá thạch anh, đá cacbonnat,… Trên cơ sở tiềm năng tài nguyên khoáng sản khoáng công nghiệp và nhu cầu của thị trường, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã thu hút, chấp thuận đầu tư được 04 dự án chế biến đá thạch anh (trong đó, 02 dự án đã xây dựng nhà máy, 02 dự án đang thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư). Vùng nguyên liệu đá thạch anh chủ yếu tập trung tại huyện Ngân Sơn, nhưng không có mỏ đá thạch anh nào được cấp phép khai thác. Hiện, chỉ có mỏ đá thạch anh Bằng Lãng, xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn được phê duyệt trữ lượng khoáng sản và Công ty TNHH Anh Vũ đang thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp giấy phép khai thác khoáng sản theo quy định.

Khuyến công 4.jpg
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy luyện chì, thuộc Công ty Cổ phần Khoáng sản (huyện Chợ Đồn).

Chưa đáp ứng nguyên liệu cho các nhà máy

Theo các ngành chức năng, thực tế sản lượng khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy/dự án chế biến sâu khoáng sản chì kẽm (đáp ứng khoảng 30%); về khoáng sản sắt thì 100% được vận chuyển tiêu thụ ra ngoài tỉnh, trong khi Dự án Nhà máy sản xuất Feromangan 60.000 tấn/năm đã xây dựng xong giai đoạn 1 và vận hành chạy thử, thì lại chưa được cấp giấy phép khai thác mỏ để cung cấp nguyên liệu cho dự án.

Các dự án chế biến sâu khoáng sản chì kẽm tỉnh Bắc Kạn được phê duyệt trong Quy hoạch khoáng sản trong thời kỳ 2021-2030 dự kiến sản xuất với công suất từ 16.500 tấn đến hơn 40.000 tấn chì kim loại/năm, thì nhu cầu tinh quặng chì sử dụng cần tối thiểu phải đảm bảo từ 33.000 tấn đến 80.000 tấn/năm (tương đương trên 260.000 tấn đến 650.000 tấn quặng nguyên khai/năm). Như vậy, các mỏ khai thác trên địa bàn tỉnh hiện nay phải đảm bảo theo đúng công suất thiết kế, thì mới cơ bản đáp ứng cho các dự án chế biến sâu chì, kẽm hoạt động với công suất tối thiểu.

Khuyến công 2.jpg
Hoạt động sản xuất tại Nhà máy luyện chì, thuộc Công ty TNHH Á - Âu, Chi nhánh Bắc Kạn.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 07 xưởng tuyển nổi để tuyển làm giàu quặng chì, kẽm; năng lực tuyển nâng cao hàm lượng đạt trên 01 triệu tấn quặng nguyên khai/năm. Tuy nhiên, hiện chỉ có 06 xưởng tuyển nổi hoạt động sản xuất (01 xưởng tuyển nổi, công suất 150.000 tấn/năm của Công ty TNHH Khai khoáng Bắc Kạn dừng sản xuất). Hầu hết các xưởng tuyển hoạt động cầm chừng do không đủ nguồn nguyên liệu. Kết quả sản xuất hằng năm đạt bình quân khoảng 18.000 tấn tinh quặng chì (hàm lượng trên 50%Pb) và khoảng 8.000 tấn tinh quặng kẽm (hàm lượng trên 50%Zn).

Đối với hoạt động tuyển nâng cao hàm lượng, toàn tỉnh hiện có 03 xưởng tuyển để tuyển làm giàu quặng sắt (02 dây chuyền tuyển từ và 01 dây chuyền tuyển rửa trọng lực) với tổng công suất tuyển khoảng 450.000 tấn quặng nguyên khai/năm; kết quả tuyển nâng cao hàm lượng quặng sắt bình quân đạt từ 90.000 nghìn tấn đến 160.000 tấn/năm…

KS 1.jpg
Ông Đinh Văn Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản nêu kiến nghị với UBND tỉnh tại Hội nghị Kết nối phát triển nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Tiếng nói từ các doanh nghiệp

Theo ông Đinh Văn Hiến, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn: “Điều kiện khai thác các mỏ khoáng sản ngày càng khó khăn, địa chất phức tạp, chi phí khai thác lớn và sản lượng tập trung chủ yếu từ mỏ kẽm chì Chợ Điền với công suất khai thác 100.000 tấn/năm, dẫn đến nguyên liệu để cung cấp cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản không đảm bảo. Đề nghị UBND tỉnh cùng các ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản để các mỏ hoạt động đúng công suất thiết kế, có như vậy mới cơ bản đáp ứng cho các dự án chế biến sâu chì, kẽm”.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển công nghiệp Bắc Kạn, huyện Chợ Đồn khẳng định: “Dù đang trong quá trình chạy thử, nghiệm thu kỹ thuật thiết bị nhà máy nhưng chúng tôi đã sản xuất và tiêu thụ được 2.574 tấn gang, 1.368 tấn xỉ giàu mangan. Khó khăn lớn nhất của Công ty là nguồn nguyên liệu không ổn định. Vì thế, Công ty mong muốn tỉnh quan tâm sớm cấp mỏ khai khác để đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất, chế biến”.

Đại diện Nhà máy luyện chì Ngân Sơn và Nhà máy điện phân chì kẽm Bắc Kạn bày tỏ, hai đơn vị đang thực hiện nhập khẩu tinh quặng chì, kẽm cung cấp cho nhà máy chế biến sâu khoáng sản trong tỉnh, nhưng việc nhập khẩu nguyên liệu cần đảm bảo khối lượng hợp đồng nhập khẩu đủ lớn thì phía đối tác nước ngoài mới xem xét ký kết…

Khuyến công 1.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Kạn Đinh Quang Tuyên phát biểu tại Hội nghị Kết nối phát triển nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Đảm bảo nguyên liệu cho chế biến sâu khoáng sản

Thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2023, về khoáng sản chì, kẽm, hiện nay toàn tỉnh đã quy hoạch được 41 mỏ với trữ lượng 1,71 triệu tấn kim loại, chiếm 29,36% tổng trữ lượng cả nước (trữ lượng lớn nhất cả nước); khoáng sản sắt, quy hoạch 19 mỏ với trữ lượng 18,33 triệu tấn quặng (trong đó, trữ lượng trên 6,9 triệu tấn và tài nguyên dự báo trên 11,4 triệu tấn); khoáng sản thạch anh, theo Quy hoạch, tỉnh có 07 Đề án thăm dò với mục tiêu 1,68 triệu tấn; công suất khai thác từ 98.000 - 130.000 tấn/năm và tổng công suất chế biến từ 210.000 – 260.000 tấn/năm…

Để đảm bảo đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho chế biến sâu khoáng sản, ngày 02/8, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Kết nối phát triển nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Qua đó tiếp nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư để giúp tỉnh có giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến sâu khoáng sản tại địa phương.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp đều có chung nhận định, đó là sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho các nhà máy, dự án chế biến sâu khoáng sản chì kẽm đúng với công suất thiết kế. Các doanh nghiệp đề nghị tỉnh tiếp tục tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép khai thác khoáng sản; đồng hành cùng doanh nghiệp đề nghị các bộ, ngành trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong vấn đề quy hoạch khoáng sản để doanh nghiệp sớm được cấp phép khai thác mỏ, có đủ nguyên liệu cho sản xuất.

KS 6.jpg
Các doanh nghiệp ký kết biên bản ghi nhớ, giao kết hợp tác giữa hai doanh nghiệp nhằm cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản hoạt động ổn định.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên nhấn mạnh: Những năm qua, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương về tài nguyên khoáng sản theo hướng khai thác khoáng sản tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường và gắn với chế biến sâu khoáng sản. Tỉnh Bắc Kạn luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp phát triển, coi việc tháo gỡ các rào cản, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu. Đồng thời, mong muốn thời gian tiếp theo doanh nghiệp và tỉnh “cùng nhau gắn kết, cùng nhau phát triển bền vững”.

Cũng tại Hội nghị này, đại diện các doanh nghiệp đã ký kết biên bản ghi nhớ, giao kết hợp tác nhằm cụ thể hóa mục tiêu chia sẻ thông tin, liên kết, liên danh trong việc cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu khoáng sản hoạt động ổn định, góp phần phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Xem thêm