Điện sinh khối- cơ hội hợp tác và đầu tư

BBK -Tỉnh Bắc Kạn có diện tích rừng trên 373.597ha, trong đó rừng tự nhiên 272.350ha, rừng trồng 101.247ha. Là địa phương có độ che phủ rừng cao nhất cả nước với trên 73%. Đây là tiềm năng lớn để Bắc Kạn phát triển rừng nguyên liệu gỗ và là nguồn nguyên liệu sinh khối phục vụ các dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Bắc Kạn có lượng lớn phụ phẩm từ rừng và chế biến gỗ, đây là nguồn sinh khối có thể tận thu làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối.

Tỉnh Bắc Kạn có lượng lớn phụ phẩm từ rừng và chế biến gỗ, đây là nguồn sinh khối có thể tận thu làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối.

Tiềm năng lớn chưa được khai thác

Giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung phát triển trồng rừng và chế biến gỗ từ rừng trồng là sản phẩm chủ lực của địa phương theo hướng bền vững và có giá trị gia tăng cao, diện tích khai thác trung bình từ 5.500ha/năm với trữ lượng khoảng 700.000m3/năm. Bên cạnh sản lượng gỗ thương phẩm thu hoạch từ khai thác rừng, một lượng lớn phụ phẩm từ rừng và chế biến gỗ cũng hình thành bao gồm vỏ cây, cành, lá, mùn cưa, dăm gỗ… ước tính, lượng phụ phẩm này chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng, đây là nguồn sinh khối rất lớn có thể tận thu làm nguyên liệu phục vụ cho phát triển điện sinh khối tại địa phương.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg Ngày 15/5/2023, tỉnh Bắc Kạn được quy hoạch các dự án điện sinh khối với tổng công suất là 220MW, đây là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư những dự án điện sinh khối trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trên cơ sở định hướng phát triển, tỉnh đã kêu gọi đồng thời thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với nhà đầu tư khi đến tìm hiểu, khảo sát triển khai dự án trên địa bàn.

Sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư

Qua khảo sát thực tế tại tỉnh, một số nhà đầu tư đang tìm hiểu và dự kiến đầu tư vào các cụm công nghiệp (CCN) như: Công ty Cổ phần Nhựa đường Dầu khí Việt Nam, đề xuất xây dựng Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn, quy mô công suất 30MW tại CCN Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông; Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản), đề xuất xây dựng Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn 1 với quy mô công suất 50MW tại CCN Khe Lắc, xã Thanh Thịnh, huyện Chợ Mới; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng và giao thông (Công ty Intracom) đề xuất xây dựng Nhà máy điện sinh khối Chợ Đồn quy mô công suất 10MW đặt tại CCN Nam Bằng Lũng và Nhà máy điện sinh khối Na Rì đặt tại CCN Vằng Mười (Na Rì) quy mô công suất 15MW.

UBND tỉnh Bắc Kạn làm việc với Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) về đề xuất xây dựng Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn 1 tại huyện Chợ Mới.

UBND tỉnh Bắc Kạn làm việc với Công ty Cổ phần Erex (Nhật Bản) về đề xuất xây dựng Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn 1 tại huyện Chợ Mới.

Tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty Cổ phần Erex đầu tháng 9/2023, sau khi trao đổi về kế hoạch triển khai Nhà máy điện sinh khối Bắc Kạn 1 và đề xuất khảo sát về vị trí địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy viên nén gỗ của Công ty, UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của Công ty trong thời gian ngắn đã có kế hoạch triển khai đầu tư dự án và đề xuất khảo sát vị trí địa điểm đầu tư dự án Nhà máy viên nén gỗ tại tỉnh Bắc Kạn.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn Nguyễn Đăng Bình quán triệt: Để các dự án sớm được triển khai thực hiện, đề nghị các sở, ngành và các địa phương liên quan của tỉnh chủ động phối hợp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát vị trí, địa điểm thuận lợi, phù hợp để xây dựng Nhà máy viên nén gỗ cũng như trong quá trình triển khai thực hiện đầu tư các dự án.

Điện sinh khối mang lại nhiều lợi ích

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Công thương Bắc Kạn cho biết: Nhà máy điện sinh khối sử dụng nhiên liệu sinh khối không độc hại và có rất nhiều lợi ích về môi trường. Hầu hết các dạng sinh khối có lượng lưu huỳnh rất nhỏ, do đó các nhà máy điện sinh khối thải ra rất ít khí SO2, một tác nhân của mưa axit; điện sinh khối chủ yếu là dùng nguyên liệu gỗ rừng trồng và các phụ phẩm từ rừng, vì có thể tái tạo cho nên tiềm năng là vô tận, do đó có rất nhiều lợi ích về môi trường; thông qua quá trình đốt tuần hoàn sẽ thu được lượng tro xỉ giàu hàm lượng khoáng và được sử dụng để chế biến thành phân bón sinh học, góp phần cải tạo môi trường đất.

Để khai thác có hiệu quả tiềm năng về điện sinh khối của tỉnh, bổ sung nguồn điện năng cho lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tỉnh Bắc Kạn đã khảo sát, đánh giá về tiềm năng điện sinh khối của tỉnh để báo cáo Bộ Công thương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung các dự án điện sinh khối tỉnh Bắc Kạn vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó làm cơ sở để kêu gọi, lựa chọn các nhà đầu tư, đầu tư các dự án điện sinh khối tại tỉnh Bắc Kạn, đồng thời tỉnh cũng sẽ thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật đối với dự án điện sinh khối./.

Xem thêm