Điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số được thực hiện theo Quyết định số 02/QĐ-TTg ngày 05/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng kinh tế – xã hội của 53 dân tộc thiểu số; trong đó quy định Tổng cục Thống kê chủ trì phối hợp với Ủy ban Dân tộc thực hiện cuộc điều tra này với chu kỳ 5 một lần.
Từ ngày 01/7 đến 15/8/2024, Ủy ban Dân tộc phối hợp cùng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tiến hành cuộc điều tra thu thập thông tin về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số. Đây là lần thứ 3, cuộc Điều tra được tổ chức trên phạm vi toàn quốc (cuộc Điều tra đầu tiên thực hiện vào năm 2015, lần thứ 2 vào năm 2019).
Cuộc điều tra năm 2024 với mục đích thu thập thông tin về dân số, điều kiện nhà ở của hộ dân tộc thiểu số và các điều kiện kinh tế - xã hội nhằm phản ánh thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và Hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ xây dựng và hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho các vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2026 - 2030. Làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về dân tộc thiểu số tại Việt Nam.
Đối tượng là các hộ dân cư người dân tộc thiểu số; Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ dân tộc thiểu số tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, II và I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ;
Loại điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 là điều tra toàn bộ kết hợp điều tra chọn mẫu. Điều tra toàn bộ, được thực hiện tại tất cả các xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg (được cập nhật đến ngày 31/5/2024) và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn dân tộc thiểu số được chọn điều tra để thu thập các chỉ tiêu về dân số theo dân tộc thiểu số. Điều tra chọn mẫu được thực hiện trên phạm vi tương tự như điều tra toàn bộ. Quy mô mẫu được phân bổ bảo đảm mức độ đại diện đến cấp huyện về một số chỉ tiêu nhân khẩu học của các dân tộc nói chung và từng dân tộc thiểu số chủ yếu trong huyện nói riêng. Riêng đối với các dân tộc thiểu số có quy mô dân số dưới 10.000 người trên toàn quốc theo kết quả Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019, sẽ tiến hành điều tra toàn bộ những hộ thuộc nhóm dân tộc thiểu số này tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số.
Để việc thu thập về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024 bảo đảm tính bao phủ, kịp thời, chính xác, việc đồng bào các dân tộc thiểu số nắm được mục đích, ý nghĩa cuộc Điều tra, từ đó chủ động, tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho các điều tra viên có ý nghĩa quyết định.
Cùng với công tác thông tin được các cơ quan thực hiện cuộc Điều tra chú trọng triển khai với nhiều hình thức phong phú, thì việc phát huy vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số có ý nghĩa quan trọng, đóng góp vào thành công của cuộc Điều tra.
Trong thư ngỏ gửi già làng, trưởng bản, Người có uy tín, Tổng cục Thống kê mong muốn, với uy tín của mình, đội ngũ già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số là lực lượng tiên phong tại cơ sở trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chủ động, tích cực phối hợp cung cấp thông tin cho điều tra viên hoàn thành nhiệm vụ./.