Tham dự Phiên khai mạc Kỳ họp, có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, lãnh đạo các địa phương; các đại sứ, đại biện, Trưởng đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội.
Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn tham dự Kỳ họp có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh; Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1; Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chợ Mới; Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh.
Trước giờ khai mạc Kỳ họp, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các vị đại biểu Quốc hội đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau đó, Quốc hội tiến hành họp phiên trù bị để thảo luận và biểu quyết thông qua chương trình Kỳ họp. Theo chương trình đã được thông qua, toàn bộ Kỳ họp thứ 8 sẽ được tiến hành theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp được chia thành 02 đợt: Đợt 1: từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến sáng ngày 30/11/2024 với tổng thời gian làm việc là 29,5 ngày. Ngay trong ngày họp đầu tiên, Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đây là kỳ họp có khối lượng công việc nhiều nhất từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến nay. Trong đó, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội và một số vấn đề quan trọng khác, với phương pháp tiếp cận làm việc mới, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của Nhân dân.
Về công tác lập pháp:
Theo chương trình của Kỳ họp, công tác lập pháp là nội dung trọng tâm, chiếm phần lớn thời gian của Kỳ họp, với 31 dự án luật, dự thảo nghị quyết được thảo luận, trong đó Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 18 dự án luật, 03 dự thảo nghị quyết quy phạm pháp luật và thảo luận, cho ý kiến lần đầu đối với 10 dự án luật khác.
Với khối lượng nội dung về công tác lập pháp rất lớn, các dự án luật, dự thảo nghị quyết được Quốc hội xem xét tại Kỳ họp này liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực mà thực tiễn đang đòi hỏi cấp thiết và nhiều doanh nghiệp và cử tri, Nhân dân rất quan tâm.
Về xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác:
Với 16 nội dung về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét các vấn đề quan trọng khác của đất nước với trên 80 đề án, trong đó có các đề án, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Theo chương trình Kỳ họp, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày thảo luận tại Tổ và tại Hội trường để xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025; Xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quốc hội sẽ xem xét Báo cáo của Đoàn giám sát và xem xét, thông qua Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023” và dành 1 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Xem xét, quyết định về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống ma túy đến năm 2030 (trường hợp đủ điều kiện); xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); xem xét, thông qua Nghị quyết Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Trong phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy dân chủ, trí tuệ, chuyên nghiệp, khoa học, tập trung góp ý toàn diện cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp của các dự án luật, Luật cần ngắn gọn, chỉ quy định những vấn đề theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, không luật hóa các vấn đề thuộc thông tư, nghị định… đảm bảo khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua đạt chất lượng cao và tuổi thọ lâu, tạo điều kiện thuận lợi và giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật, gắn việc xây dựng luật và tổ chức thi hành luật đạt hiệu quả cao nhất.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội; phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, tập trung vào những vấn đề lớn, những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, hạn chế, yếu kém, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả; lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhất là khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai, lũ lụt gây ra ở 26 tỉnh, thành phố phía Bắc và một số tỉnh miền Trung. Bên cạnh đó, quan tâm thảo luận, góp ý về sự phù hợp, tính khả thi, hiệu quả của các chính sách; tính thống nhất, đồng bộ với các quy định của pháp luật nhằm phát huy được nguồn lực, tận dụng được cơ hội phát triển, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tại Kỳ họp này, để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát các hoạt động của Quốc hội và ĐBQH, nhiều phiên họp sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1) và Truyền hình Quốc hội Việt Nam./.