Dân số và phát triển

Giải pháp giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

BBK - Cùng với nhiều tỉnh, thành phố, công tác dân số và phát triển tỉnh Bắc Kạn đang đứng trước khó khăn, thách thức khi ở trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Trước những dự báo về hệ lụy của mất cân bằng giới tính khi sinh, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng này.

Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trở thành thách thức với công tác dân số trong những năm qua. Tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ em trai/100 trẻ em gái sinh ra sống trong một thời gian nhất định, thường tính trong một năm) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn trong những năm qua còn ở mức cao, không ổn định.

z5918207689117-97fbd27269875b408b366ae335b09a48.jpg
Ngành Y tế truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản/KHHGĐ tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Theo thống kê của Chi cục Dân số tỉnh Bắc Kạn, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh năm 2020 là 112,1 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; năm 2021 là 120 trẻ em nam/100 trẻ em nữ; năm 2022 là 107 trẻ em nam/100 trẻ em nữ và năm 2023 là 111,2 trẻ em nam/100 trẻ em nữ..

Nguyên nhân chính của MCBGTKS là do bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong ý thức và hành động của một bộ phận người dân. Bất bình đẳng giới dẫn đến quan niệm trọng nam khinh nữ của các bậc làm cha, làm mẹ. Họ quan niệm rằng, cần phải có con trai để nối dõi tông đường và thờ cúng tổ tiên sau này; con trai có trách nhiệm tiếp nối dòng dõi gia tộc, chăm sóc cha mẹ khi tuổi già và tiếp tục sự nghiệp của gia đình...

Mất cân bằng giới tính không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng mức sống của người dân trên địa bàn, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy xã hội khác. Như làm thay đổi cơ cấu dân số; làm gia tăng dân số nhanh do nhu cầu phải có con trai, sự phân bố dân cư giữa các vùng chênh lệch lớn sẽ xảy ra tình trạng có nơi thiếu lao động, có nơi lại thừa lao động, dẫn đến việc di dân giữa các tỉnh, thành phố. Mất cân bằng giới tính sẽ dẫn đến tình trạng thừa nam, thiếu nữ ở độ tuổi trưởng thành, đặc biệt là ở độ tuổi kết hôn và sinh đẻ. Nghĩa là sẽ có rất nhiều nam giới có thể không lấy được vợ.

Ông Lèng Hoàng Thái Huân, Chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Bắc Kạn cho biết: Thời gian qua, ngành Y tế đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn chuyển đổi hành vi cho người dân về vấn đề MCBGTKS. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều gia đình có tâm lý mong muốn có con trai để nối dõi và nam giới được coi là trụ cột, là người kiếm tiền chính trong gia đình. Tình trạng lạm dụng kỹ thuật, công nghệ trong việc chẩn đoán, can thiệp lựa chọn giới tính thai nhi còn diễn ra.

Việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi còn nhiều hạn chế. Thực tế, tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về cấm chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi còn phổ biến nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn hiệu quả. Thêm vào đó là định kiến giới nằm ngay trong sự bất bình đẳng giới, trong các hoạt động về dân số và sức khỏe sinh sản, sự tham gia của nam giới vào công tác dân số còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò bởi hiện nay việc quyết định số con thường do chồng và gia đình người chồng quyết định... Từ những suy nghĩ, định kiến trên dẫn đến tâm lý phải đẻ được con trai, thúc đẩy việc lựa chọn giới tính thai nhi, trở thành nguyên nhân trực tiếp dẫn tới hiện tượng MCBGTKS.

z5918209440021-f1037c58e0d72e16390d86a218eebc84-7031.jpg
Khám thai định kỳ cho bà mẹ mang thai tại xã Xuân Lạc (Chợ Đồn).

Để từng bước khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng MCBGTKS, tiến tới đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng tự nhiên, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo công tác dân số các cấp đã ban hành một số văn bản nhằm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân số và phát triển nói chung, cũng như hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin kịp thời nhằm tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, sự ủng hộ và tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc phòng ngừa, giải quyết tình trạng MCBGTKS.

Tăng cường tuyên truyền, giáo dục vấn đề định kiến giới, tâm lý ưa thích con trai hơn con gái, phát huy hơn nữa sự tham gia của nam giới vì bình đẳng giới; phát huy vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái, vận động người dân thay đổi tư duy, nhận thức và hành động trong vấn đề chênh lệch giới tính khi sinh; xóa dần sự phân biệt giữa con trai và con gái trong quan niệm của nhiều người dân. Từng bước đưa nội dung cam kết không chẩn đoán, lựa chọn giới tính thai nhi vào quy ước, hương ước. Cùng với đó, tăng cường thanh tra, kiểm tra về MCBGTKS, xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, thông báo công khai, rộng rãi các đơn vị, cá nhân vi phạm và kết quả xử lý.../.

Xem thêm