Khu du lịch Ba Bể sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng… trải nghiệm cùng người dân bản địa về những nét đẹp văn hóa, ẩm thực của đồng bào dân tộc nơi đây. Từ năm 2020 đến nay, Khu du lịch Ba Bể tiếp tục được đầu tư về cơ sở hạ tầng thiết yếu nhằm cải thiện hệ thống giao thông, cơ sở vật chất, dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy tiêu chí và chỉ tiêu phát triển Khu du lịch Ba Bể đạt được chưa cao; sự quan tâm từ khách du lịch và nhà đầu tư đối với việc phát triển du lịch Ba Bể còn nhiều hạn chế; lượng du khách chưa đạt mức mong đợi; các sản phẩm và dịch vụ du lịch còn nghèo nàn; việc tổ chức hoạt động phục vụ du lịch còn gặp khó khăn do hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, nguồn nhân lực chưa chuyên nghiệp… Trước thực tế đó, các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp căn bản để phát huy tối ưu tiềm năng về vẻ đẹp thiên nhiên để thúc đẩy phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng. Qua đó, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách của tỉnh.
Là khu du lịch sinh thái nổi tiếng của vùng Đông Bắc Việt Nam với nhiều phong cảnh nguyên sơ; đa dạng về sinh học, Ba Bể có vị trí đặc biệt trong việc phát triển du lịch vùng, rất thuận lợi trong kết nối tour, tuyến du lịch như: Tiếp giáp Khu di tích ATK Chợ Đồn; Di tích lịch sử Nà Tu, huyện Bạch Thông; các điểm du lịch của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang; xa hơn là Khu di tích lịch sử Pác Bó và thác Bản Giốc, tỉnh Cao Bằng… Với vị trí đặc biệt, Ba Bể trở thành vị trí trọng điểm trong phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn.
Trong đó nổi bật nhất là danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể thuộc vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể tại xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, với tổng diện tích bảo tồn thắng cảnh lên đến 10.048ha. Khu vực này không chỉ nổi bật với giá trị đa dạng sinh học mà còn mang những giá trị to lớn về địa chất, địa mạo với những cảnh quan thiên nhiên độc đáo như thác Đầu Đẳng, hẻm vực sông Năng, ao Tiên, động Puông, đảo An Mạ, đảo Bà Góa... đặc biệt hồ Ba Bể được đánh giá là 1 trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên trên núi lớn và đẹp nhất trên thế giới. Vùng hồ Ba Bể còn có nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa mang đậm bản sắc độc đáo của người dân tộc thiểu số như các lễ hội, tâm linh, tín ngưỡng.
Hội nghị BCH Đảng bộ tỉnh lần thứ tư (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về phát triển du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu phát triển du lịch từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Trong đó, “Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch và công nghiệp trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể”.
Để thực hiện được mục tiêu này có hiệu quả, hiện nay các cấp, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp căn bản như: Tập trung nguồn lực đầu tư từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật; thiết lập các tuyến điểm du lịch, tạo dựng sản phẩm du lịch đặc trưng làm cơ sở đưa Vườn quốc gia Ba Bể trở thành điểm đến hấp dẫn, đồng thời từng bước thiết lập liên kết không gian giữa các khu, tuyến, điểm du lịch trong khu vực. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, các phương án, giải pháp quảng bá du lịch; phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch…
Bà Ma Thị Cử, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Huyện Ba Bể đang chủ động phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và Trung ương triển khai thực hiện một số giải pháp về phát triển Khu du lịch Ba Bể. Trong đó có sự điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các chính sách có ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển Khu du lịch Ba Bể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và hấp dẫn cho các nhà đầu tư. Cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, đặc biệt trong các lĩnh vực đầu tư, giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng, phát triển các dịch vụ du lịch... để thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước./.