Giúp hộ nghèo dễ tiếp cận nguồn vốn ưu đãi

BBK - Tín dụng chính sách đối với hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách là hoạt động quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Để hộ nghèo dễ tiếp cận được nguồn vốn này, Chính phủ đã có nhiều điều chỉnh về lãi suất cũng như nguồn vốn.

NHCSXH1.jpg
Khách hàng giao dịch tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn.

Đến nay, mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và lãi suất cho vay các chương trình liên tục được điều chỉnh (theo từng thời kỳ). Mức vay hiện nay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo là 100 triệu đồng/hộ, lãi suất cho vay hộ nghèo là 6,6%/năm; hộ cận nghèo là 7,92%/năm; hộ mới thoát nghèo là 8,25%/năm; cho vay HSSV là 40 triệu đồng/năm học lãi suất cho vay là 6,6%/năm...

Bên cạnh đó, các nhóm đối tượng cần vay vốn giải quyết việc làm; chương trình cho vay hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 của Chính phủ; chương trình cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và các đối tượng khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được quy định cụ thể và niêm yết công khai tại các điểm giao dịch và trên trang thông tin điện tử của ngành.

Bà Lý Thị Hội, Giám đốc HTX Kềm Miền Ba Bể.

Việc triển khai tín dụng chính sách xã hội đối với người nghèo thông qua công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, các chương trình tín dụng được triển khai, phổ biến đến cấp ủy, chính quyền, cộng đồng dân cư và các đối tượng được thụ hưởng.

Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trong những năm qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác truyền tải nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến 100% thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận với vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Từ năm 2014 đến nay, số vốn giải ngân cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 9.965 tỷ đồng với trên 359,8 nghìn lượt hộ vay; số vốn thu hồi đạt 6.699 tỷ đồng.

Ông Hoàng Văn Thứ, HTX nông lâm tổng hợp Địa Linh.

Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đang tổ chức giao dịch tại 108 điểm giao dịch tại trụ sở UBND của 108 xã, phường, thị trấn; phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác quản lý 1.546 Tổ TK&VV hoạt động tại các thôn, bản, tổ dân phố. Tại các điểm giao dịch xã đều niêm yết công khai các chính sách tín dụng của Nhà nước, danh sách các hộ vay vốn và quy trình thủ tục cho vay; quy định ngày giao dịch cố định hằng tháng để các đối tượng vay vốn, trả nợ, gửi tiền tiết kiệm.

Ông Hoàng Đình Nhuận, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để tiếp tục phát huy vai trò và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện các Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội... cần bổ sung nguồn vốn cho vay tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP cho tỉnh có cân nhắc đến yếu tố khó khăn đặc thù của Bắc Kạn.

Hiện nay Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã triển khai thành công 21 chương trình tín dụng chính sách. Theo đánh giá của các địa phương, tín dụng chính sách được xem là một trong những giải pháp thực hiện mục tiêu giảm nghèo căn cơ và bền vững, đảm bảo an sinh xã hội có hiệu quả. Nhờ có nguồn vốn vay này, hàng nghìn hộ nghèo đã vươn lên thoát nghèo. Những kết quả trên cho thấy, chính sách cho vay vốn và lãi suất vay ưu đãi đã đem lại hiệu quả tích cực trong công tác giảm nghèo bền vững hiện nay./.

Xem thêm