Con đường đã được mở đến cuối khu vực Khuổi Đăm và thực hiện đạt khoảng 90% khối lượng các hạng mục. |
Dẫn chúng tôi đến thực tế tại tuyến đường lâm nghiệp thôn Khuổi Khương đi khu vực Khuổi Đăm với chiều dài gần 7km, chị Nông Thị Uyển, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thượng Quan vui mừng chia sẻ: Khi biết được cấp trên bố trí nguồn vốn để thực hiện tuyến đường này, các cấp ngành địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, tạo điều kiện tốt nhất để đơn vị thi công triển khai thực hiện.
Tuyến đường rộng trung bình 4m với chiều dài gần 7km hoàn toàn do người dân hiến đất, trong đó có nhiều hộ hiến hàng nghìn mét đất ruộng, đất vườn đồi sản xuất, tiêu biểu như hộ ông Hoàng Văn Hùng, Hoàng Văn Huân, Nông Xuân Ngọc, Hoàng Văn Tiên… Nhiều cây trồng trên đất cũng được các hộ chủ động thu dọn để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Được biết, thôn Khuổi Khương có gần 20 hộ dân, 100% số hộ đều thuộc diện nghèo, đời sống của người dân trong thôn chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp. Mặc dù vậy, khi được tuyên truyền, vận động và thấy lợi ích, giá trị của rừng trồng nên người dân đều đồng tình ủng hộ việc hiến đất. Nay đường lớn đã mở, bà con mong muốn Nhà nước tiếp tục tạo điều kiện đầu tư các mô hình phát triển kinh tế về trồng trọt, chăn nuôi phù hợp với địa phương nhằm phát huy được tiềm năng, thế mạnh đất đai sẵn có.
Tuyến đường được mở ngay sát rừng trồng của người dân, tạo điều kiện thuận lợi trong khai thác và nâng giá trị sản phẩm . |
Đồng chí Phạm Thị Yến, Chủ tịch UBND xã Thượng Quan cho biết: Tuyến đường Khuổi Khương được thi công từ cuối năm 2022, đến nay cơ bản đã xong phần mặt đường. Quá trình thực hiện có những vướng mắc nhỏ đã được địa phương phối hợp với đơn vị thi công kịp thời giải quyết. Tuyến đường hoàn thành giúp người dân khai thác thuận lợi gần 300ha rừng trồng chủ yếu là cây thông, keo. Nhiều diện tích rừng thông chuẩn bị cho khai thác trắng để bán gỗ, khi có đường vận chuyển chắc chắn sẽ nâng cao giá trị so với trước đây.
Việc mở đường sản xuất là chủ trương lớn của tỉnh nói chung và huyện Ngân Sơn nói riêng, nhằm mục tiêu tăng khả năng cơ giới hóa giúp giảm chi phí, tăng giá trị kinh tế rừng, tạo mối liên kết giữa người trồng rừng với doanh nghiệp, tạo vùng nguyên liệu phục vụ chế biến gỗ, đồng thời giúp công tác tuần tra, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng khi có sự cố cháy xảy ra, góp phần phát triển rừng bền vững.
Trong năm 2022, huyện Ngân Sơn đã được bố trí nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng để thực hiện tuyến đường lâm nghiệp tại các xã Hiệp Lực, Thuần Mang, Thượng Quan, Bằng Vân, Trung Hòa, Cốc Đán và thị trấn Nà Phặc. Do đặc thù nguồn vốn không có chi phí cho việc đền bù giải phóng mặt bằng nên cơ bản các tuyến đường được đầu tư đều do người dân hiến đất hoặc mở rộng trên nền đường cũ đã có từ trước./.