Trên cơ sở số liệu điều tra hằng năm, cùng với công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của người dân, xã Hiệp Lực đã tập trung phân tích nguyên nhân để có các giải pháp hỗ trợ cụ thể. Rà soát, xác định rõ nhu cầu vay vốn và phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo được vay vốn. Tích cực, chủ động phối hợp mở các lớp đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ, tạo điều kiện để người nghèo tự tạo việc làm, tăng thu nhập để từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực: Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, năm 2023, Hiệp Lực được giao tổng vốn hơn 3,3 tỷ đồng để tổ chức thực hiện các nội dung hỗ trợ về hạ tầng, đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo... Qua đó, nhiều công trình kênh mương thủy lợi đã được duy tu bảo dưỡng phục vụ sản xuất; hàng chục hộ được hỗ trợ phát triển mô hình sản xuất, chăn nuôi.
Cùng với đó, địa phương đã lồng ghép, sử dụng hiệu quả nguồn lực từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình MTQG xây dựng NTM và nguồn lực khác để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, hỗ trợ phát triển sản xuất...
Để tạo động lực và thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa, địa phương đã tạo điều kiện, hỗ trợ thành lập một số mô hình kinh tế tập thể. Đến nay, trên địa bàn có 02 hợp tác xã (HTX) hoạt động đạt hiệu quả bước đầu khá tích cực là HTX nông nghiệp Công nghệ cao Thành Đạt và HTX trồng cây ăn quả Hiệp Lực. Các HTX này đã và đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng phát triển chuỗi giá trị liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản ở địa phương.
Anh Vi Hoàng Sơn, Giám đốc HTX trồng cây ăn quả Hiệp Lực cho biết: HTX có 11 thành viên với trên 20ha cây ăn quả (hồng không hạt, cam, quýt, lê...). Sản phẩm của HTX tiêu thụ rất thuận lợi do chủ yếu được thương lái các tỉnh đặt hàng. Thời gian tới, HTX sẽ tập trung phát triển sản xuất để không chỉ nâng cao thu nhập cho chính các thành viên mà còn tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân khác trên địa bàn.
Kết thúc năm 2023, Hiệp Lực giảm được 22 hộ nghèo và 14 hộ cận nghèo. Đây là nỗ lực lớn của địa phương, do số hộ nghèo cao (theo số liệu thống kê đầu năm 2023, toàn xã có tới 617 hộ nghèo, 103 hộ cận nghèo), số hộ thiếu hụt một trong các chỉ số đo lường về mức độ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản lớn.
Năm 2024, Hiệp Lực được giao hơn 2,6 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, địa phương đang tập trung tổ chức thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình MTQG này. Bên cạnh đó, các nội dung, nguồn vốn thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN, Chương trình MTQG xây dựng NTM và nguồn lực khác cũng được tập trung thực hiện nhằm đẩy mạnh giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.
"HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt canh tác dưa lưới, dâu tây, cà chua... theo hướng sản xuất hữu cơ. Mỗi năm HTX bán ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm các loại, chủ yếu cung cấp cho các cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Hoạt động của HTX vừa tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động vừa góp phần khuyến khích, tạo động lực để thúc đẩy sản xuất hàng hóa ở địa phương"
Anh Nông Văn Thành
Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt.
Năm 2024, xã Hiệp Lực đặt chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo so với năm 2023 từ 4% trở lên. "Để việc thực hiện đạt kết quả cao, cùng với công tác tuyên truyền, vận động, UBND xã đã xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, tập trung thực hiện các giải pháp tác động trực tiếp đến nâng cao thu nhập và tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo; phân công cá nhân, tập thể trực tiếp theo dõi, tư vấn, giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo theo từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Khuyến khích, tạo điều kiện để các hộ đăng ký thoát nghèo tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và tham gia các chương trình, dự án. Triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo...", ông Long Minh Giám, Chủ tịch UBND xã Hiệp Lực cho biết./.