Những năm qua, Hợp tác xã Nhung Lũy ở xã Yến Dương (Ba Bể) đã phát huy nội lực, giúp các thành viên làm ra sản phẩm có thương hiệu để bán ra thị trường với giá trị kinh tế cao.
Các sản phẩm của HTX Nhung Lũy được trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các cuộc triển lãm trong và ngoài tỉnh. |
Hợp tác xã Nhung Lũy ban đầu là một tổ hợp tác sản xuất bí xanh thơm, chăn nuôi lợn, gà, trồng lúa, trồng rừng với 10 thành viên trong đó có 07 hộ nghèo. Các thành viên trong tổ còn lúng túng trong việc phát triển kinh tế và giảm nghèo, sản phẩm làm ra tiêu thụ còn nhiều khó khăn và giá trị chưa cao, thu nhập chưa ổn định. HTX đã có những sản phẩm truyền thống như: Lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, quả mác mật sấy khô, quả bí xanh thơm nhưng sản lượng thấp, chủ yếu phục vụ tiêu dùng.
Nhận thấy những sản phẩm đó có thể phát triển trở thành hàng hóa, từ giữa năm 2018 các thành viên đã thống nhất thành lập Hợp tác xã và đăng ký các sản phẩm như trên để tham gia Chương trình OCOP. Đến cuối năm 2018 Hợp tác xã đã có sản phẩm Lạp sườn được Hội đồng đánh giá cấp tỉnh đánh giá và xếp hạng đạt 03 sao. Hiện nay, Hợp tác xã đã có 14 thành viên chính thức, thu nhập khoảng 4 triệu đồng/người/tháng. Mới đây, HTX đã thành lập các tổ liên kết trồng nguyên liệu với 60 thành viên, trong số này có nhiều hộ nghèo. Khi tham gia liên kết, HTX đã trực tiếp tạo được việc làm, giúp tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập cho thành viên.
Dù là mới thành lập, quy mô còn nhỏ bé nhưng bước đầu các sản phẩm của HTX Nhung Lũy đã từng bước được sản xuất theo chuỗi. Các sản phẩm đặc sản truyền thống như: Lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, chè Giảo cổ lam, mướp đắng rừng, mác mật khô... được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương, phát huy được tài nguyên bản địa và được Hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hợp tác xã Nhung Lũy nằm trên trục đường du lịch hồ Ba Bể, thuận tiện để giới thiệu sản phẩm nhằm kết hợp sản xuất, tiêu thụ. HTX đã liên kết với các tua du lịch, các nhà hàng, nhà nghỉ homstay để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm với du khách đến du lịch tại Ba Bể. Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX cho biết: Các sản phẩm của HTX bước đầu đã hoàn thiện về mặt giấy tờ pháp lý, được ví như tấm hộ chiếu cho công cuộc đưa sản phẩm ra ngoài thị trường. Tuy nhiên để Hợp tác xã phát triển lớn mạnh hơn, việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm là hết sức cần thiết. Thành viên Hợp tác xã đã họp bàn và lên kế hoạch cụ thể cho việc tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm. Các kênh bán hàng được HTX lựa chọn chính là trên sàn thương mại điện tử, trang cá nhân, web size, bán buôn bán lẻ, bán tại chỗ, bán qua hệ thống chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, nhà hàng, siêu thị mini, trạm dừng nghỉ, tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Bước đầu đưa sản phẩm ra thị trường HTX gặp không ít khó khăn, từ việc số lượng sản phẩm còn hạn chế, giá thành cao do sản xuất thủ công, đường xa, phương tiện vận chuyển chưa có, chưa biết cách quảng bá sản phẩm trên diện rộng, chưa xác định được nhóm khách hàng mục tiêu và khách hàng tiềm năng cho nên số lượng sản phẩm bán ra còn hạn chế. Nhận định được những khó khăn trên đều có thể điều chỉnh được, HTX đã mạnh dạn tìm người tư vấn, hướng dẫn, tích cực tham gia các cuộc xúc tiến thương mại triển lãm, trưng bày sản phẩm trong và ngoài tỉnh... Đến nay, HTX đã đạt được một số kết quả nhất định, kết nối tiêu thụ sản phẩm với 08 chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và đặc sản vùng miền, hoàn thiện xong hồ sơ cho sản phẩm lạp sườn gác bếp với siêu thị BigC, đã có sản phẩm được bán trên sàn thương mại voso.vn. Cùng với duy trì và chăm sóc hệ thống khách hàng cũ, HTX đã lên kế hoạch năm 2020 sẽ tiếp cận với các điểm bán mới như khu đô thị Ecopac, Ciputra...
Trong quá trình hình thành và phát triển, HTX có được nhiều thuận lợi là nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành của tỉnh, huyện và xã đến nay các sản phẩm đã hoàn toàn thay đổi so với trước khi thành lập mô hình kinh tế tập thể HTX, sản phẩm đã có bao bì, nhãn mác, các giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch... cùng với sự thay đổi của sản phẩm theo chiều hướng tích cực, các sản phẩm đã được các thị trường khó tính và tiềm năng như siêu thị, các cửa hàng thực phẩm sạch đón nhận, đây là sự khởi đầu cho quá trình đưa sản phẩm Bắc Kạn hội nhập thị trường ngoài tỉnh, hiện nay chúng tôi đã có sản phẩm tham gia các Hội chợ giới thiệu sản phẩm thường xuyên hơn, quy mô hơn và sản phẩm ngày càng chất lượng hơn.
Bên cạnh những thuận lợi, HTX còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển sản phẩm trong giai đoạn đầu như: Công tác nâng cao chất lượng sản phẩm, đổi mới mẫu mã bao bì sản phẩm, hoàn thiện các thủ tục pháp lý cũng như các quy chuẩn của sản phẩm… Địa hình miền núi, giao thông không thuận lợi; thiếu vốn sản xuất; thiếu năng lực quản lý; thiếu công nhân sản xuất qua đào tạo; chưa có đầu ra cho sản phẩm số lượng lớn... Những khó khăn trên đã ảnh hưởng tới sản lượng và làm tăng giá thành sản phẩm. Khắc phục được những hạn chế trên sẽ giúp HTX Nhung Lũy tiếp tục gặt hái thêm thành công trong thời gian tới./.
Bích Ngọc