Nhiều hộ dân ở Bạch Thông có thu nhập khá nhờ cây cam sành. |
Cam sành là loại cây đặc hữu mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ dân ở Bạch Thông. Nhiều hộ đã có thu nhập vài trăm triệu đồng từ loại cây ăn quả này. Điểm đặc biệt là thời điểm thu hoạch đúng dịp Tết Nguyên đán, bảo quản được lâu nên cam sành có giá trị cao hơn so với quýt- cây ăn quả đang chiếm diện tích lớn nhất của Bạch Thông.
Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây cam sành, Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 01/10/2020 của Huyện ủy Bạch Thông về chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững, gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020 - 2025 đề ra mục tiêu trồng mới 500ha cây cam sành và xây dựng 03 mô hình trồng cây cam sành không hạt để phục vụ cho việc nhân giống, tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Theo tính toán của địa phương, quỹ đất trống có khoảng 80ha, đồng thời sẽ tiến hành cải tạo 420ha diện tích quýt già cỗi để lấy đất trồng 500ha cam sành. Mỗi năm huyện sẽ phát triển mới 100ha, tập trung tại 03 xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong.
Ông Hoàng Văn Kiệm, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Từ năm 2020 – 2022, huyện Bạch Thông đã sử dụng 300 triệu đồng từ nguồn kinh phí sự nghiệp để thực hiện chỉ tiêu phát triển, mở rộng diện tích cây cam sành. Hằng năm, huyện giao phòng chuyên môn phối hợp với các xã tiến hành rà soát, thống kê diện tích đất trống, vận động người dân đăng ký thực hiện. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc như: Chưa có sự chuẩn bị về cây giống đảm bảo chất lượng, việc đầu tư chăm sóc của người dân còn hạn chế, đặc biệt là thiếu quỹ đất để phát triển mới.
Là vùng khởi nguồn cây cam sành ở Bạch Thông, nhưng diện tích cam sành ở xã Quang Thuận khá ít so với cây quýt. Ông Nông Văn Bình, Chủ tịch UBND xã Quang Thuận cho hay: Quang Thuận được giao trồng mới 210ha cây cam sành trong nhiệm kỳ 2020 – 2025. Từ năm 2020 đến nay, xã đã thực hiện trồng mới 32ha. Tuy nhiên, diện tích đất của xã hầu hết đã phủ kín cây quýt, không còn đất trống để tiếp tục trồng mới. Nếu trồng lại đất cũ đã trồng quýt thì cây cam sành không phát triển tốt do cần phải đảm bảo chu kỳ cải tạo đất, nên người dân không mặn mà.
Xã Dương Phong cũng là vùng trồng cam, quýt tập trung của huyện Bạch Thông. Giống như Quang Thuận, dư địa để phát triển diện tích cây cam sành đặc sản ở địa phương này gần như không còn.
Đối với Đôn Phong, mặc dù được huyện xác định là một trong 3 xã trọng điểm phát triển cây cam sành, song hiện nay toàn xã chỉ có khoảng 21ha cam sành và diện tích đất để phát triển mới cây cam cũng không còn. Theo lãnh đạo xã Đôn Phong, quỹ đất trống của xã để trồng mới cam sành gần như không còn, người dân cũng không mặn mà phát triển diện tích trồng cam.
Kết quả từ năm 2020 đến nay, toàn huyện Bạch Thông trồng mới được gần 156ha, đạt 31% so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; nâng tổng diện tích cam sành toàn huyện lên 340ha. Việc xây dựng 03 mô hình trồng cam sành không hạt đến nay cũng chưa thực hiện, do không chọn được giống phù hợp.
Sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết 04/NQ-HU, chỉ tiêu trồng mới 500ha cây cam sành của Bạch Thông là bất khả thi. Ngày 03/7/2023, Huyện ủy Bạch Thông đã ban hành Nghị quyết số 29-NQ/HU về điều chỉnh, bổ sung mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết số 04/NQ-HU. Trong đó, điều chỉnh giảm mục tiêu diện tích trồng mới cây cam sành còn 250ha. Như vậy, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục thực hiện trồng mới gần 100ha cam sành để đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết.
Thực tế cho thấy, dư địa mở rộng diện tích cây cam sành ở Bạch Thông là rất ít. Việc cải tạo vùng quýt già cỗi để lấy đất trồng cam là không thực hiện ngay được, bởi phải mất khoảng 3 – 5 năm mới có thể đưa cây cam vào trồng. Hơn nữa, những năm gần đây, các hộ dân không mặn mà với cây cam, quýt mà đã chuyển đổi sang một số loại cây lâm nghiệp khác như mỡ, keo, quế, bồ đề… Do vậy, để hoàn thành chỉ tiêu trồng mới cây cam sành, huyện Bạch Thông cần phải có những tính toán, giải pháp hữu hiệu, phù hợp trong thời gian tới./.