Khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất của Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch

BBK -Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, năm học 2022-2023, Trường Tiểu học Bành Trạch (Ba Bể) đã chuyển đổi sang mô hình trường PTDT bán trú, trở thành Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch.

Hơn 20 học sinh dân tộc thiểu số ở các điểm trường vùng cao thuộc xã Bành Trạch đã chuyển về sinh hoạt học tập tại trường chính. Đến nay, việc học cơ bản ổn định. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện việc đưa học sinh lớp 3 về trường chính trong thời gian tiếp theo sẽ gặp khó khăn, bởi nguy cơ thiếu các điều kiện về cơ sở vật chất bảo đảm cho học sinh học tập, sinh hoạt.

Khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất của Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch ảnh 1

Phụ huynh đến thăm con tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch.

Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch hiện có 266 học sinh, trong đó có 152 em đang học ở trường chính, còn 114 em học ở 06 điểm trường lẻ. Năm học 2022-2023, thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, 23 học sinh lớp 3 ở các điểm trường được chuyển về trường chính để có điều kiện học các môn Tiếng Anh, Tin học. Toàn trường hiện có 2 lớp 3, với tổng số 48 học sinh.

Là năm đầu tiên thực hiện mô hình trường bán trú, thực chất là tổ chức cho học sinh ăn, ở nội trú, nên nhà trường còn gặp nhiều khó khăn.

Đồng chí Triệu Thị Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tháng 4 năm 2022, nhà trường nhận chủ trương về việc chuyển đổi mô hình trường hiện tại sang trường phổ thông bán trú, ngay sau đó bắt tay xây dựng đề án chuyển đổi mô hình. Vì thời gian khá gấp, yêu cầu đặt ra là làm sao đến đầu năm học mới, mô hình bán trú phải được vận hành.

Ở giai đoạn 1, năm học 2022-2023 từ ngôi trường bình thường chuyển sang mô hình bán trú, tạo điều kiện ăn ở cho hơn 20 học sinh nhà trường còn khó khăn và lúng túng trong triển khai thực hiện. Vì cơ sở vật chất chưa được đầu tư, nên trường phải dồn ghép các phòng ban của cán bộ giáo viên thành phòng ở cho học sinh, phòng họp Hội đồng sử dụng làm lớp học.

Thầy, cô giáo hướng dẫn các kỹ năng cần thiết cho học sinh lớp 3 lần đầu tiên đi học xa nhà.

Thầy, cô giáo hướng dẫn các kỹ năng cần thiết cho học sinh lớp 3 lần đầu tiên đi học xa nhà.

Trong thời gian ngắn, với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh, một số nhà hảo tâm… ngôi trường bán trú đã cơ bản có các điều kiện cần thiết để đưa vào hoạt động.

Chuẩn bị cho năm học 2023-2024, theo Ban Giám hiệu nhà trường có khoảng 20 học sinh lớp 3 ở điểm trường của 08 thôn vùng cao của xã Bành Trạch sẽ tiếp tục được đưa về trường chính để sinh hoạt, học tập. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có nguy cơ thiếu phòng ở, trang thiết bị đủ điều kiện phục vụ sinh hoạt cho học sinh.

Từ năm học 2023-2024 trở đi, trung bình mỗi năm học có khoảng 103 học sinh các khối 3, 4, 5 sinh hoạt, học tập tại trường. Như vậy nhu cầu cần xây dựng mới 05 phòng học, 12 phòng ngủ, 01 phòng bếp, khu nhà hiệu bộ.

Về vấn đề này, đồng chí Lưu Quốc Trung, Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Do việc triển khai chuyển đổi mô hình từ trường bình thường sang phổ thông dân tộc bán trú rất gấp (đầu tháng 4/2022 mới có quyết định thành lập) nên huyện không kịp đưa nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất của nhà trường vào kế hoạch. Do vậy huyện tích cực, chủ động tìm các phương án thay thế, kịp thời tháo gỡ khó khăn. Thông tin mới nhất đó là Liên doanh Việt - Nga Vietsopetro dự kiến sẽ hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng “Nhà lớp học và các công trình phụ trợ Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch”. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ba Bể đã khảo sát, chuẩn bị các bước tiếp theo, phấn đấu công trình sẽ hoàn thành trước khai giảng năm học 2023-2024”.

Mô hình trường phổ thông dân tộc bán trú nói chung và Trường PTDT bán trú Tiểu học Bành Trạch nói riêng sau một thời gian đi vào hoạt động đã phát huy hiệu quả tích cực, tạo cơ hội cho học sinh đồng bào các dân tộc vùng cao được học tập, sinh hoạt, tiếp cận với giáo dục hiện đại, khích lệ học sinh dân tộc thiểu số phấn đấu vươn lên, duy trì bền vững kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, tạo nguồn nhân lực có trình độ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của địa phương. Với môi trường học tập, sinh hoạt được đầu tư đáp ứng yêu cầu đã từng bước tạo sự tin tưởng, yên tâm cho phụ huynh có con em đến sinh hoạt, học tập./.

Xem thêm